Tuesday, June 17, 2014

Nước - “Thuốc” tốt phòng ngừa sỏi thận

Sỏi thận tiết niệu là bệnh lý rất thường gặp, do nhiều nguyên nhân gây nên. Trong thực tế lâm sàng thường phát hiện muộn nên nhiều biến chứng. Nguyên nhân tạo ra sỏi có nhiều nhưng trong đó có một lý do quan trọng là việc không đủ lượng dung dịch hòa tan các chất cặn bã hữu cơ và vô cơ đường tiết niệu. Vì vậy các chất này tích tụ lại và hình thành nên các viên sỏi.

Uống nhiều nước phòng tránh sỏi thận.

Khi máu đi qua thận, máu đến cầu thận và nước sẽ thấm qua mạch máu vào khoang nhỏ gọi là khoang Bowman. Tại đây nước được chảy vào hệ thống ống thận dày đặc. Một phần nước sẽ được tái hấp thu lại, phần khác tiếp tục đi vào đường ống. Cuối cùng chúng được đổ vào một bể lớn gọi là bể thận, sau đó, từ thận nước tiểu được dẫn xuống bàng quang bằng một ống gọi là niệu quản, và từ bàng quang nước tiểu sẽ được thải ra ngoài qua niệu đạo. Quá trình tạo ra nước tiểu vô cùng phức tạp và có sự tham gia của rất nhiều yếu tố lý, hóa, thần kinh. Khi nước tiểu được tạo ra, chúng hòa tan các chất độc và “làm trôi” các chất cặn bã trên đường đi. Vì một lý do nào đó, số lượng nước không đủ hay có sự ứ trệ trên đường đi, các chất cần thải loại sẽ lắng lại, tích tụ theo thời gian và tạo thành sỏi.
Sỏi tiết niệu là  một cấu trúc phức tạp dạng rắn được tạo ra từ các chất vô cơ như calci, phospho và hữu cơ như ammonium, urat... cấu tạo của viên sỏi là một cấu trúc theo từng lớp đồng tâm. Sỏi tiết niệu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng được phát hiện nhiều nhất là khoảng từ 20 đến 50 tuổi. Sỏi tiết niệu có thể gặp ở mọi vị trí trên đường đi của hệ thống tiết niệu. Có thể phân chia vị trí như sau: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo. Tuy nhiên, từng đoạn cũng lại qui định chi tiết hơn như ở thận có sỏi nhu mô thận, sỏi bể thận; ở niệu quản là sỏi 1/3 trên, sỏi 1/3 giữa, sỏi 1/3 dưới. Có thể chỉ bị sỏi ở một vị trí nhưng cũng có thể sỏi ở nhiều vị trí. 


Các loại sỏi:
 + sỏi calcium oxalate: hay gặp nhất, gặp nhiều ở người trưởng thành hơn những người có sỏi calci thường có vấn đề tăng calci niệu và có liên quan tới yếu tố di truyền, bệnh tuyến cận giáp, mắc bệnh gút, các bệnh đường ruột, béo phì và bệnh thận. 
 + Sỏi struvite: cấu tạo bởi magne và ammoni. Thường thứ phát do nhiễm khuẩn  tiết niệu.  Đặc biệt là những người dẫn lưu ống thông đường niệu kéo dài. 
 + Sỏi uric: do biến loạn chuyển hóa làm tăng acid uric trong nước tiểu.
 + sỏi cystine: Hiếm gặp, cấu trúc sỏi là amino acid cystine, đây là bệnh có tính di truyền.

Phòng tránh sỏi thận bằng cách uống nhiều nước.

Để phòng tránh sỏi thận vì vậy phải uống thật nhiều nước. Nước được cung cấp đủ sẽ không chỉ làm máu lưu thông tốt hơn, hòa tan các chất mà còn làm nhiệt độ cơ thể được điều hòa tốt hơn đặc biệt trong mùa hè oi bức. Hơn thế nữa nó giúp thải trừ các chất cặn bã để ngăn ngừa bệnh tật. Nếu tính theo hoạt động bình thường của cơ thể thì lượng nước tiểu khoảng 1.500ml, lượng nước qua đường mồ hôi và đường tiêu hóa khoảng 500-1000ml, như vậy nhu cầu về nước là từ 1.500 đến 2.500 ml mỗi ngày. Nhu cầu này tăng lên hay giảm đi tùy theo tính chất công việc và đặc biệt là theo thời tiết. Tuy nhiên dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, xây dựng cho mình một thói quen uống nhiều nước là vô cùng hữu ích.
Nước uống cần đảm bảo vệ sinh. Trong thực tế có nhiều loại nước có thể sử dụng hàng ngày có lợi cho sức khỏe như các loại nước ép hoặc sinh tố làm từ cà rốt, cà chua, dưa leo, dưa hấu...; nước chanh cam chứa nhiều vitamin C, rất tốt cho da, giúp cơ thể thanh nhiệt, sát khuẩn, trị ho...; nước ngâm từ quả dâu, mơ hay sấu pha. Sữa chua là loại đồ uống không thể thiếu trong mùa hè, nhất là đối với chị em phụ nữ. Mùa hè nóng nực, khi lao động thể lực nhiều có thể thêm chút muối vào nước uống. Nước muối loãng giúp làm cơ thể bớt khát nước hơn và cung cấp muối mất qua mồ hôi.
Không nên uống các loại nước uống nhiều đường, nhất là đối với người béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp. Hạn chế sử dụng nước đá vì nó có thể gây hỏng men răng.

Với một số trường hợp đặc biệt cần thận trọng khi uống nước như người bị suy tim, suy thận... chú ý phải hỏi  kỹ bác sĩ điều trị để có một chế độ nước phù hợp.




Monday, June 16, 2014

Thói quen ảnh hưởng không tốt đến sỏi thận, sỏi mật

Thức ăn giàu protit và chất béo sẽ tăng thêm hàm lượng cholesterol trong dịch mật, hình thành nên sỏi thận.

1. Không ăn bữa sáng

Thói quen tưởng vô hại này lại là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh sỏi mật. Theo chuyên gia sức khỏe, nguy cơ gây ra bệnh sỏi mật do không ăn sáng khá lớn. Điều này là do cơ thể sau khi trải qua một đêm dài nghỉ ngơi, cần bổ sung năng lượng. Túi mật sẽ bài tiết dịch mật vào buổi sáng, chuẩn bị trước cho việc tiêu hóa thức ăn. Nếu không ăn sáng, mật sẽ không có thức ăn để tiêu hóa, dịch mật sẽ ở trong túi mật lâu hơn, thời gian dài như thế, dịch mật sẽ tích tụ trong túi mật và đường ruột, cholesterol từ trong mật tiết ra sẽ dễ hình thành nên sỏi mật.

2. Không thích uống nước

Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra sỏi thận. Các chuyên gia chỉ ra rằng, uống ít nước sẽ khiến lượng nước tiểu lưu cữu, trở nên đậm đặc, chất đọng lại tăng lên, như thế dễ hình thành nên sỏi thận và sỏi đường tiết niệu.
Bởi vậy, uống nhiều nước sẽ tăng lượng bài tiết nước tiểu, làm loãng nước tiểu, giảm thấp nồng độ tinh thể trong nước tiểu, rửa đường niệu đạo, có lợi cho phòng chống sỏi thận và làm cho sỏi bài tiết ra ngoài. Vì vậy, kế cả khi không khát, mỗi người mỗi ngày cũng nên uống 2000ml nước trở lên và uống nước lọc là tốt nhất.


3. Lười vận động

Cần tăng cường vận động, không nên “ngồi chờ” sỏi hình thành. Trong phòng làm việc khoảng 2 tiếng thì nên đứng dậy làm một số động tác thư giãn, đảm bảo một lượng vận động nhất định, thời gian vận động hàng ngày nên là khoảng 30 phút.

4. Ăn quá nhiều dầu mỡ

Những bữa tiệc luôn đi kèm với thịt cá, dầu mỡ…. Ăn quá nhiều chất dầu mỡ chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh sỏi thận. Bởi vì thức ăn giàu protit và chất béo sẽ tăng thêm hàm lượng cholesterol trong dịch mật, hình thành nên sỏi.

Cần hạn chế hàm lượng cholesterol trong thực phẩm, ít ăn hoặc kiêng ăn thực phẩm hàm chứa cholesterol cao, ví dụ như thịt mỡ, nội tạng động vật, trứng cá, gạch cua, lòng đỏ trứng... Nên ăn nhiều rau quả tươi và một số thực phẩm có tác dụng giảm thấp cholesterol như: tỏi, hành tây, nấm hương, mộc nhĩ đen....




Friday, June 13, 2014

Các món ăn, bài thuốc từ cải cúc

Theo Y học cổ truyền, rau cải cúc có vị ngọt, hơi đắng, the, thơm, tính hơi mát, lành không độc, có tính năng tiêu thực, lợi trường vị, thanh đàm hỏa, yên tâm khí. Cải cúc có công hiệu chữa trị ho lâu ngày, làm tán phong nhiệt, chữa đau mắt, thường được sử dụng cho các chứng như: ăn kém tiêu, viêm họng, viêm phế quản, sỏi thận
Dùng lá tươi, hoặc đã phơi khô trong mát (âm can) không phơi nắng (làm mất tinh dầu thơm). Xin giới thiệu một số phương thuốc có thể chọn lựa áp dụng khi cần thiết.

- Chữa ho ở trẻ em: Rau cải cúc 6g (thái nhỏ), cho vào một chút mật ong đem hấp cơm, gạn lấy nước cho trẻ uống nhiều lần trong ngày.

- Chữa chứng ho dai dẳng ở người lớn do lạnh: Rau cải cúc 100 - 150g, phổi lợn 200g thái thành miếng, dùng nấu thành canh ăn cả cái lẫn nước cùng bữa cơm, ăn trong 3 - 4 ngày là 1 liệu trình.

- Chữa tỳ vị hàn: Dạ dày ruột trong tình trạng lạnh, đi ngoài lỏng hoặc tiêu chảy, thì dùng 200g cải cúc nấu canh ăn để giúp làm ôn ấm tỳ vị. Ăn liên tục 3 - 5 ngày.


- Chữa ho đờm, nhức đầu, chóng mặt buồn nôn do tiêu hóa kém, suy nhược, hay lạnh...: Lấy 1/2kg cải cúc, một đầu cá mè to, một ít gừng tươi, một ít rượu, và gia vị. Đầu cá mè rửa sạch, rán cho vàng thơm, cho gừng vào đảo đều rồi tưới rượu lên và lượng nước vừa đủ hầm chín. Cho cải cúc vào nấu đến sôi, nêm nếm gia vị vừa đủ.

- Bổ tỳ, trị hoa mắt, lợi tiểu: Lấy 200g cải cúc, một con cá diếc độ 1/2 kg, một ít rượu, dầu ăn, và các gia vị vừa đủ. Cá diếc làm sạch, bỏ vảy, đem rán vàng, rồi cho rượu vào đảo qua, cho gừng, nước vào tiếp, nấu với lửa nhỏ cho cá chín thì cho cải cúc vào và nấu đến sôi lại, nêm nếm gia vị. 10 ngày là một liệu trình.

- Canh cải cúc cá diếc: Thích hợp sử dụng cho người cao tuổi hoặc trẻ em ăn không tiêu, tiểu tiện ít, mệt mỏi. Nhờ tác dụng của món là bổ tỳ khai vị, trừ đàm thấp, hòa trung, kiện vị, lợi tiểu, làm khỏi ho đờm, gan nóng, hoa mắt, chóng mặt: Lấy cá dếc 500g, cải cúc 150g, rượu, dầu vừng, tiêu, muối vừa đủ. Rán vàng hai mặt cá cho ít rượu vào đảo sơ, cho gừng, sau cho chút nước đun sôi hạ lửa nhỏ đun tiếp cho nhừ cá, rồi cho rau cải cúc vào đun to lửa cho sôi nhào là được. Có điều kiện nên ăn một thời gian 10 - 15 ngày là một liệu trình, sỏi thận.


Thursday, June 12, 2014

Phòng bệnh sỏi thận cho trẻ

Để giúp các mẹ tìm hiểu và nắm được biêu hiện và phòng tránh bệnh sỏi thận ở trẻ, các mẹ hãy cho trẻ ăn chế độ ăn nhạt, uống đầy đủ nước.
Thực tế, hiện nay nhiều bậc phụ huynh thường nghĩ rằng bệnh sỏi thận chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi từ 35 và 60. Tuy nhiên trong những năm gần đây số trẻ em mỗi năm phải đến viện điều trị vì bệnh sỏi thận ngày càng tăng lên. Triệu chứng của trẻ bị bệnh sỏi thận thường đau lưng, có máu trong nước tiểu và buồn nôn hoặc nôn mửa.

1.Tại sao lại gia tăng tình trạng trẻ bị sỏi thận

Do chế độ ăn uống và lối sống hiện nay chính là thủ phạm có thể khiến trẻ bị nhiễm sỏi thận. Sỏi thận chỉ bắt đầu hình thành bởi các tinh thể từ một trong hai hóa chất quá mức là muối và canxi. Trẻ em ngày nay thường có thói quen không uống nhiều nước và cha mẹ cũng cho trẻ ăn một chế độ ăn uống nhiều muối, làm tăng canxi trong cơ quan bài tiết của trẻ.
Trên thực tế, bất cứ điều gì làm tăng lượng canxi trong nước tiểu sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Sỏi thận bao gồm oxalat canxi là phổ biến nhất và các loại đá hình thành khi oxalate, một sản phẩm phụ của các loại thực phẩm nhất định bao gồm chocolate, hoa quả và bơ đậu phộng, liên kết với canxi trong nước tiểu. Trẻ béo phì, thường có khả năng mắc bệnh sỏi thận cao hơn trẻ bình thường. Một gia đình có lịch sử bị sỏi thận cũng là một yếu tố hình thành bệnh ở trẻ.


Khi trẻ bị sỏi thận thường đau bụng, trẻ có thể buồn nôn và ói mửa cũng như có máu trong nước tiểu có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Ngoài ra, con bạn có thể trở nên nhợt nhạt và mồ hôi. Nếu con bạn trải nghiệm những triệu chứng này, xem bác sĩ nhi khoa hoặc đến phòng cấp cứu của bệnh viện địa phương để điều trị.

2.Các biện pháp tránh cho trẻ bị sỏi thận     
           
Để tránh cho trẻ bị sỏi thận, các mẹ hãy chắc chắn rằng con mình được uống đầy đủ lượng nước trong ngày. Hãy thường xuyên quan sát nước tiểu của trẻ sao cho nước tiểu của trẻ trong, không có màu vàng sẫm. Nước chính là nguồn dung môi hòa tan những chất dư thừa tích tụ trong hệ thống bài tiết của trẻ và khi thông qua hệ bài tiết, trẻ sẽ đẩy các chất cặn dư thừa ra bên ngoài thông qua đường tiểu.
Trong khẩu phần ăn của trẻ, các mẹ hãy hạn chế các thực phẩm có nồng độ muối cao, đặc biệt là hạn chế các dạng thực phẩm thuộc thức ăn nhanh bởi đôi khi những loại thức ăn này được đảm quản bởi rất nhiều muối. Lượng muối dư thừa lâu ngày sẽ tích tụ dưới thận trẻ và sẽ sinh ra sỏi thận.
Khi trẻ kêu đau bụng, ngay phía bên sườn và cơn đau bụng đó thường xuyên quay trở lại thì cha mẹ nên nghĩ đến khả năng con mình bị sỏi thận, đặc biệt là nếu gia đình có lịch sử bị bệnh sỏi thận. Lúc này, cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời.

Các mẹ cũng không thể tránh được lượng canxi có sẵn trong thức ăn dành cho trẻ, hơn nữa lượng canxi đó có thể tốt và cần thiết cho xương của trẻ phát triển khỏe mạnh. Chỉ cần các mẹ lưu ý sao cho lượng canxi trẻ hấp thu vào bên trong cơ thể trẻ dư thừa.



Monday, June 9, 2014

Bắp Cải phòng chống sỏi thận

Bắp cải không chỉ là món ăn có nhiều vitamin quý mà còn là vị thuốc chữa được một số bệnh như béo phì, sỏi thận.
Vitamin C trong bắp cải là một loại vitamin thiên nhiên quý, đã kết hợp sẵn với vitamin P thành phức hợp  C (C complex trong rau quả) nên có giá trị sinh học cao hơn nhiều các viên thuốc vitamin C.
Nên nhớ vitamin P còn được gọi là yếu tố thẩm thấu mao mạch, có tác dụng làm bền mao mạch, giúp vitamin C khỏi bị oxy hoá và làm thành mạch vững bền nên ngừa được chứng bầm da, xuất huyết dưới da, chảy máu lợi...
Thiếu vitamin này, mao mạch dễ bị vỡ, dễ bị xuất huyết dưới da, bầm da, xuất huyết nội tạng... Vitamin P có nhiều trong bắp cải và kết hợp với vitamin C, vì trong thiên nhiên hai loại vitamin này thường kết hợp với nhau.
Đặc biệt, trong nước ép bắp cải tươi có chứa vitamin U, một loại vitamin có tác dụng chữa viêm loét dạ dày - tá tràng.


Loại vitamin này được người ta tìm thấy ở nước ép bắp cải tươi, do đó những người loét dạ dày - tá tràng, hoặc viêm dạ dày, viêm ruột dùng nước này rất tốt. Ngoài ra, bắp cải được coi là một vị thuốc phòng chữa một số bệnh có kết quả tốt:

Hạn chế xơ vữa động mạch và sỏi mật: Do bắp cải có nhiều vitamin C kết hợp với vitamin P thành phức hợp C đã nói ở trên, nên có tác dụng làm bền vững thành mạch.
Ngoài ra, chất cenlulose của bắp cải  kết hợp với cholesterol và các axit mật, hạn chế những chất này qua ruột vào máu nên có tác dụng đề phòng các bệnh xơ vữa động mạch và sỏi mật.

Chữa loét dạ dày - tá tràng: Do trong nước ép bắp cải tươi có chứa vitamin U. Nhiều người cho rằng nó còn tốt hơn cả vitamin U vì nước ép bắp cải không chỉ cung cấp vitamin U đơn thuần mà còn làm tăng sức đề kháng của niêm mạc dạ dày và ruột,  bình thường hoá các quá trình chuyển hoá, làm vết loét mau lành.


Thức ăn chống béo phì: Do gần đây người ta phát hiện được trong bắp cải một chất mới là axit tactronic có tác dụng ngăn chặn quá trình chuyển hoá gluxit thành lipit, chống được bệnh béo phì.

Mổ thận có gây vô sinh

Yếu sinh lý và vô sinh???

Trước hết là nỗi lo về đường sinh sản. Đa số các bệnh nhân khi bị tuyên bố là có sạn và phải mổ đều có thắc mắc là "Mổ xong em có bị yếu cái vụ kia đi không? ", hoặc là bạn bè tuyên bố một câu “xanh rờn”: "Cắt thận là không có con được nữa đâu". Có những người phụ nữ có sỏi nhưng nhất quyết không chịu mổ vì lẽ chưa, hoặc mới lấy chồng, nhà chồng thấy đi mổ sạn sợ không thể sinh nở được, chờ có một đứa con trai rồi hãy đi mổ cũng chưa muộn!
Tất cả những suy nghĩ nói trên đều không có cơ sở khoa học. Tuy cơ quan bài tiết và cơ quan sinh dục có những liên quan với nhau về phôi thai và giải phẫu học, đường tiểu và đường phóng tinh của nam giới cùng một chỗ và với nữ giới thì cũng gần đâu đó, nhưng trong hoạt động thì không có liên hệ với nhau.
Bị sỏi hay là sau khi mổ lấy sỏi, chức năng sinh sản của cả hai giới đều không bị ảnh hưởng. Có chăng là ảnh hưởng của cuộc mổ làm bệnh nhân bị mệt đi một giai đoạn thì hoạt động tình dục cũng có phần thuyên giảm đi trong bối cảnh chung của cùng thời gian đó, mà điều này thì xuất hiện trong tất cả các cuộc giải phẫu, không riêng gì mổ sỏi.
Nếu xét về khía cạnh ảnh hưởng lên các chức năng sinh lý thì có rất nhiều những phương pháp điều trị khác làm suy giảm chúng hơn là một cuộc mổ sỏi như xạ trị, dùng thuốc điều trị kéo dài.

Đau kéo dài

Bệnh nhân thường có những cơn đau nơi vết mổ kéo dài. Điều này cũng hết sức tự nhiên. Đường mổ lấy sỏi thận thường kéo từ sau lưng cổ gần đầu xương sườn cụt thứ 12 và kéo dài xuống dưới, ra trước. Tuy đã chọn một con đường ngắn nhất và hợp chức năng nhất, người pphẫu thuật viên thường khó tránh được việc đụng chạm hay loại bỏ một trong rất nhiều những dây thần kinh liên sườn. Như vậy, sau này khi vết mổ đã lành lặn, bệnh nhân vẫn có cảm giác đau nơi vết mổ là vùng dây thần kinh này chi phối .
Đặt biệt hơn, có những bệnh nhân không đau tại chỗ mổ mà lại có những cảm giác kỳ lạ nơi vùng bụng dưới cùng với bên mổ. Cảm giác này có thể là ê ẩm, râm ran như kim chích, hoặc là tê hẳn vùng đó kèm theo sự quá nhạy cảm tại một vùng bụng trên đó. Điều này được gây ra do đầu mút dây thần kinh đã cắt đi bị kích thích. Khoa học cũng đã nhận thấy các sự việc tương tự ở những nạn nhân bị cắt cụt tay hoặc chân, có những lúc những người này có cảm giác nóng hoặc đau nơi đầu ngón tay hoặc chân vốn đã mất từ lâu. Bệnh nhân sau mổ sỏi thận thường có cảm giác lo âu về những cảm giác đau này, và vì sợ là còn có “cái gì” trong đó nữa nên thường không dám đi đứng hoặc ngồi thẳng người, hay nghiêng nghiêng về phía bị đau, lâu dần thành ra bị vẹo cột sống.
Tật này còn rõ hơn khi mà có người phát hiện ra họ bị nghiêng người, họ lại uốn phần trên cơ thể theo hướng ngược lại thành ra cột sống hình chữ S. Trong những trường hợp đó, phương cách lý trị đơn giản và hiệu quả chỉ là tập xà đơn. Bệnh nhân đu mình lên xà và làm một số cử động trong khoảng 15 phút mỗi ngày, sức nặng của cơ thể sẽ làm cột sống thẳng lại. Tuy nhiên, không nên để đến giai đoạn đó mà cần phải cho bệnh nhân tập sớm trong những ngày đầu hậu phẫu.


Tại các trung tâm ngoại quốc, bệnh nhân được khuyến khích ngồi dậy từ ngày thứ hai, đứng xuống đất và bước đi từ ngày thứ ba để tránh các biến chứng nói trên và tránh cả biến chứng viêm phổi vốn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cuả các phòng hồi sức.
Sau khi cắt chỉ khâu da, bệnh nhân cũng không nên sợ bị bung vết mổ mà cần phải tập hoạt động để sớm trở về cuộc sống bình thường của mình.

Tái phát?

Có những người bệnh sợ mổ là vì nghĩ rằng là mổ xong thì sỏi cũng tái phát. Điều này là hợp lý. Theo các tài liệu ngoại quốc thì sau khi mổ lấy sỏi, nếu không theo những chế độ kiêng cữ và thuốc men thì tỷ lệ tái phát sỏi sau năm năm có thể lên đến 30%. Đối với tán sỏi thì tỷ lệ cũng có giảm đi chút đỉnh. Nhưng nếu được điều trị và theo các hướng dẫn tiết thực thì tỷ lệ giảm đi rất nhiều. Sau mổ, cần theo đúng các biện pháp phòng ngừa và khám định kỳ bằng siêu âm mỗi 6 tháng, như vậy mới có thể kịp thời phát hiện các hòn sỏi nhỏ mới xuất hiện nếu có tái phát, lúc đó thì sỏi nhỏ có thể dễ dàng điều trị bằng thuốc, nội soi, tán sỏi mà không phải mổ đi mổ lại nữa.

Mất thận?

Một số bệnh nhân khác lại sợ bác sĩ lúc mổ cắt mất đi của mình một bên thận thì khổ! Bất cứ nội tạng nào trong người cũng đều hết sức quý giá, khi phải cắt đi là điều bất đắc dĩ. Thận cũng nằm trong trường hợp đó. Có những quả thận để bị sỏi quá lâu, đến khi mổ thì đã ứ mủ hoặc hoá mủ rồi, không thể nào giữ được. Vả lại, dù có giữ lại được thì cũng không có ích lợi gì cả vì nó đã ngừng hoạt động. Có những quả thận đã “chết” từ lâu do quá trình viêm nhiễm nhiều lần mà chỉ dùng thuốc kháng sinh. Có những thận thì lại “teo” đi gây ra chứng cao huyết áp thứ phát do thận. Những trường hợp nói trên đều nên cắt bỏ thận để cứu mạng sống cho người bệnh vì để lại thì chỉ có hại chứ không có lợi. Thực ra, khi cắt bỏ thận đi, bệnh nhân không mất gì cả vì từ lâu nó không còn hiện diện trong cơ thể về khía cạnh chức năng nữa. Vậy muốn tránh khỏi cắt thận thì phải điều trị sớm (điều trị cho hết sỏi chứ không phải hết đau).

Sau khi cắt thận, người bệnh cần chú ý đến các biện pháp đề phòng tái phát chặt chẽ hơn các bệnh nhân khác vì có một thận thì càng phải cần được phát hiện sớm hơn để được áp dụng phương pháp điều trị nhẹ nhất có thể được. Người có một thận không chịu ảnh hưởng nặng nề gì về mặt sinh học vì người ta hoàn toàn có thể sống bình thường với một quả thận. Hiện nay, có khoảng 10% dân số sống với một thận mà nhiều khi không biết vì thận kia đã bị cắt do tai nạn hay bệnh lý, hoặc là chỉ có một thận hoạt động từ lúc mới sinh ra đời.

Thursday, June 5, 2014

CÁC LOẠI SỎI THẬN

Người bệnh nên trang bị cho mình kiến thức về các loại sỏi và cách phòng ngừa chúng để giảm thấp nhất nguy cơ mắc bệnh.
Sỏi thận là một căn bệnh thường gặp. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị sỏi thận và việc lựa chọn phương pháp nào phụ thuộc nhiều vào bản chất của từng loại sỏi. Điều quan trọng là cá nhân mỗi người hoặc có người thân trong gia đình chẳng may mắc bệnh nên trang bị cho mình kiến thức về phân loại sỏi và cách để phòng ngừa chúng, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh.

Sỏi canxi

Sỏi canxi là loại sỏi thường gặp nhất trong các loại sỏi, chiếm khoảng 80% các trường hợp. Bình thường, sỏi canxi cứng, có nhiều hình dạng, kích thước, mật độ khác nhau.
Nguyên nhân :
 +  Tình trạng nước tiểu quá bão hòa về muối canxi do tăng hấp thu canxi ở ruột hoặc tăng tái hấp thu canxi ở ống thận. Xét nghiệm nước tiểu sẽ thấy canxi niệu tăng cao. Bình thường thận đào thải khoảng 300 mg canxi qua nước tiểu trong một ngày, trong trường hợp nước tiểu bị quá bão hòa về muối canxi, lượng canxi đào thải qua nước tiểu có thể tăng lên 800 - 1.000mg trong 24h với chế độ ăn bình thường.
+ Giảm citrat niệu. Citrat niệu có tác dụng ức chế kết tinh các muối canxi. Khi có toan máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, hạ kmáu thì thường citrat niệu giảm. Khi thiếu citrat nước tiểu sẽ bão hòa muối canxi tạo điều kiện kết tinh sỏi.
+ Nước tiểu quá bão hòa về oxalat. Thức ăn chứa nhiều oxalat hoặc trong trường hợp ngộ độc vitamin C sẽ dẫn đến tình trạng này hoặc ở người bị viêm ruột, cắt một phần ruột non, người có rối loạn chuyển hoá...

.
Chế độ ăn uống
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo những người có nguy cơ mắc sỏi canxi nên tránh ăn các thức ăn có chứa nồng độ oxalat cao (cải thìa, củ cải, củ cải đường, sô cô la đen) và cần uống hơn 12 ly nước/ngày (khoảng 2,5 – 3lít/ ngày).

Sỏi axit uric

Sỏi axit uric thường gặp ở những người có nồng độ axit uric cao, chiếm khoảng 10% các trường hợp sỏi thận. Sỏi axit uric không cứng và cũng không dễ phát hiện bằng tia X như sỏi canxi.
Nguyên nhânlà do nước tiểu quá bão hòa acid uric tạo điều kiện gây sỏi urat và thường có tăng acid uric niệu đi kèm. Sỏi acid uric gặp trong tăng acid uric máu, bệnh gout, trong một số trường hợp di truyền, béo phì, những người tiểu đường kháng insulin.
Chế độ ăn uống
Người bệnh nên có những xét nghiệm về bệnh mắc kèm và cần giảm ăn những thức ăn quá nhiều đạm.

Sỏi struvite hay sỏi nhiễm trùng

Sỏi struvite chiếm khoảng 10% các loại sỏi thận. Sỏi được hình thành trong tình trạng nhiễm trùng tồn tại kéo dài do các loại vi khuẩn có khả năng phân giải urê thành amonium (gây nên hiện tượng kết hợp giữa amonium và magie, phosphate trong nước tiểu để hình thành sỏi).

Khi đó vi  khuẩn hình thành sỏi sẽ bám dính luôn vào sỏi. Khi amonium càng bám nhiều thì sỏi sẽ lớn dần, quấn quanh nhân sỏi cho đến khi toàn bộ khoảng trống trong bể thận đều được lấp đầy. Khi chụp X quang, có hình ảnh như gạc của con nai (sỏi san hô hay sỏi sừng nai) .Sỏi có thể gây tổn thương thận cũng như sinh ung thư.

Sỏi cystin

Là loại sỏi hiếm gặp, thường xuất hiện ở những bệnh nhân có khiếm khuyết bẩm sinh (có tính di truyền). Những người với tiền sử gia đình có người mắc bệnh thì rất dễ thừa hưởng gen di truyền và có nguy cơ cao bị mắc loại sỏi này.
Cystine là một loại amino acid, chúng hình thành ở những người có rối loạn di truyền, là nguyên nhân gây thận bài tiết quá nhiều Struvite có thể phát triển nhanh chóng và trở nên khá lớn trong nước tiểu, khi nồng độ cao sẽ tạo thành sỏi.

Tùy thuộc vào từng loại sỏi, kích thước lớn hoặc nhỏ của sỏi mà các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Các loại sỏi nhỏ, sỏi bùn, sạn thận, bệnh nhân được chỉ định thuốc uống bào mòn sỏi, khi sỏi nhỏ đến một mức độ nhất định sẽ theo đường nước tiểu ra ngoài. Những loại sỏi lớn, kết hợp thuốc và các phương pháp y học hiện đại: tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, mổ nội soi, tán sỏi ngược dòng...

Đồng thời, bệnh nhân cần biết cấu tạo, phân chất sỏi của mình để có biện pháp ăn uống, sinh hoạt phòng bệnh tái phát.

Wednesday, June 4, 2014

Một số thực phẩm không nên ăn lúc đói


Khi bạn đang đói thì hãy cẩn thận với một số loại thực phẩm có khả năng gây những hậu quả không tốt cho cơ thể. Dưới đây là 8 loại thực phẩm trong số đó.

1. Đồ uống lạnh

Các nhà khoa học khuyến cáo, khi bụng đang trong tình trạng “trống rỗng”, không nên nạp vào cơ thể mình lượng lớn các loại đồ uống lạnh. Bởi chính nó là thủ phạm kích thích dạ dày 1 cách dữ dội, tiết nhiều dịch vị trong khi không hề có thức ăn. Điều này sẽ khiến bạn mắc các chứng bệnh về dạ dày.
Với phụ nữ, trong những “ngày ấy”, nếu sử dụng quá nhiều nước hay các loại đồ uống lạnh còn có nguy cơ bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.

2. Cà chua và hồng

Đây vẫn được đánh giá là những loại quả bổ dưỡng nhưng khi ăn vào lúc đói thì lại không tốt chút nào.
2 loại quả với sắc đỏ rực rỡ này có chứa rất nhiều nhựa (mủ), axit. Do đó, khi bị nhào trộn với dịch dạ dày mà không có các loại thực phẩm khác thì sẽ tạo nên 1 phản ứng hóa học, trong đó có sự ngưng tụ của các yếu tố vật chất. Sự ngưng tụ này là 1 trong những nguyên nhân gây nên bệnh sỏi thận.


3. Quýt

Trái quýt vẫn được biết đến như 1 loại hoa quả ngon và có nhiều tác dụng: thanh nhiệt, lành tính (vỏ có thể sử dụng như 1 vị thuốc dân gian trị các bệnh về cảm cúm…). Tuy nhiên, không phải tốt có nghĩa là có thể sử dụng bất cứ lúc nào. Ăn quýt trước bữa cơm hoặc khi bạn đang đói sẽ bất lợi cho hệ tiêu hóa. Với hàm lượng axit lớn, quýt kích thích không tốt đối với niêm mạc dạ dày, gây đầy hơi, ợ hơi, thậm chí còn gây nôn ra dịch dạ dày.


4. Trà

Uống trà là thói quen phổ biến của rất nhiều người. Với người cao tuổi, thưởng trà là thú thanh tao, trang nhã.
Song trà cũng có khả năng tạo ra những ảnh hưởng không tốt với cơ thể. Uống trà khi đói, dịch vị dạ dày sẽ bị loãng đi, làm giảm tác dụng tiêu hóa thức ăn của dạ dày. Nếu uống nhiều trà có thể gây ra hiện tượng “say trà” với các biểu hiện: chóng mặt, mệt mỏi, đứng không yên và luôn có cảm giác chênh vênh.
Để có thể tận hưởng được vị ngon, cảm giác thảnh thơi của thú thưởng trà, bạn nên uống trà sau bữa ăn khoảng 1 – 2 giờ.

5. Sữa bò và sữa đậu nành

Đây là nguồn thực phẩm chứa 1 lượng protein lớn. Với hàm lượng các thành phần dinh dưỡng phong phú, sữa bò, sữa đậu nành luôn là sự lựa chọn để bồi bổ cho cơ thể.
Song nếu uống sữa khi đói, protein trong sữa sẽ bị “ép” phải chuyển hóa thành nhiệt năng. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn dinh dưỡng trong sữa sẽ bị giảm thiểu, bị mất tác dụng.

6. Chuối tiêu

Không ăn lúc đói

7. Kẹo

Kẹo là 1 loại đồ ăn rất dễ được cơ thể hấp thụ. Khi ăn nhiều kẹo trong lúc đói bụng, lượng đường trong kẹo sẽ được nạp 1 cách nhanh chóng vào trong cơ thể mà không có sự điều tiết thích hợp. Điều này sẽ làm tăng cao lượng đường trong máu và dẫn đến bệnh tật.
Đối với trẻ em, bạn cần đặc biệt chú ý, không để cho bé ăn kẹo trước bữa ăn cơm. Nếu trẻ ăn vào sẽ bị ngang bụng, không những khống hấp thụ được các loại thực phẩm bổ dưỡng mà còn khiến cho cơ thể của bé dễ bị mắc bệnh.

8. Rượu trắng

Rượu – kẻ thù chính của dạ dày, là nguyên nhân gây nên các bệnh viêm loét dạ dày. Hơn thế nữa, người uống rượu sẽ có nguy cơ bị giảm lượng đường trong máu (hạ đường huyết), dẫn đến tụt huyết áp đột ngột, gây hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, mồ hôi lạnh, nghiêm trọng hơn là mê man bất tỉnh, thậm chí có thể tử vong.




BỆNH SỎI THẬN VÀ VITAMIN C

BỆNH SỎI THẬN VÀ VITAMIN C

Khi dùng viên bổ sung vitamin C ít nhất 1.000 mg một lần/ngày thì tăng nguy cơ bị sỏi thận lên gấp hai lần.
Đó là kết quả cuộc nghiên cứu trên 22.000 người ở độ tuổi trung niên trở lên, do các nhà khoa học tại Viện Karolinska (Thụy Điển) thực hiện trong 11 năm.
Ở những người dùng vitamin C hằng ngày, 3,4% bị sỏi thận, so với 1,8% những người không dùng vitamin C hằng ngày bị bệnh sỏi thận.


Nguyên nhân là do lượng vitamin C mà cơ thể hấp thu được bài tiết trong nước tiểu ở dạng oxalat. Oxalat và canxi kết hợp thành những tinh thể nhỏ và trở thành sỏi thận.
Daily Mail dẫn lời tiến sĩ Laura Thomas, người đứng đầu cuộc nghiên cứu nhấn mạnh: Nguy cơ bị sỏi thận do bổ sung vitamin C chủ yếu phụ thuộc vào liều dùng vitamin C hằng ngày và sự kết hợp của vitamin C với các dưỡng chất khác mà cơ thể hấp thu.
Nghiên cứu được công bố trên JAMA internal medicine.
Trong một cuộc nghiên cứu khác được tiến hành trên 400.000 người trung niên ở 8 tiểu bang của Mỹ, thời gian từ năm 1995 đến 1996, cho thấy những người đàn ông uống ít nhất 1.000 mg canxi mỗi ngày thì tăng 20% nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu từ Viện Ung thư quốc gia (Mỹ) không tìm thấy mối liên hệ giữa việc uống canxi và bệnh tim mạch ở phụ nữ.

Nghiên cứu cũng được công bố trên JAMA Internal Medicine.

Tuesday, June 3, 2014

MELAMIN GÂY SỎI THẬN Ở TRẺ EM

Melamin là một bazơ hữu cơ, công thức hóa học là C3H6N6, tên hóa học là 1,3,5-Triazine-2,4,6-triamine, trong đó hàm lượng nitơ chiếm đến 66%.

Đây là một chất màu trắng, dạng bột tinh thể tan nhẹ trong nước. Melamin chỉ được phép dùng trong sản xuất công nghiệp (đồ chơi, đồ nội thất, gia dụng...) với nhiều đặc tính ưu việt như tính kết dính cao, kháng nhiệt tốt, không bị ăn mòn, không mùi vị... Ngoài ra, melamin còn được dùng để sản xuất phân bón.
Melamin được biết đến như một chất gây hại nếu nuốt, hít và hấp thụ qua da. Mắt, da và đường hô hấp có thể bị kích ứng khi tiếp xúc với melamin, nếu tiếp xúc lâu dài với melamin có thể bị ung thư và ảnh hưởng đến bộ phận sinh sản. Liều độc của melamin khá cao với LD 50 là hơn 3g/kg trọng lượng cơ thể.

TẠI SAO LẠI TRỘN MELAMIN VÀO SỮA

Hiện nay hàm lượng protein trong sữa được đánh giá dựa vào việc đo nồng độ một mình chất nitơ trong sữa bằng phương pháp Kjeldahl. Đây chính là lý do để một số nhà sản xuất thiếu lương tâm trộn melamin vào sữa bất chấp nguy hiểm có thể gây ra cho người dùng.
Để tăng lợi nhuận, người ta pha loãng sữa tươi với nước. Việc làm này khiến hàm lượng protein trong sữa bị giảm thấp. Tận dụng đặc tính chứa nhiều phân tử nitơ trong cấu trúc của melamin (66%) nên người ta đã trộn melamin vào sữa bị pha loãng để làm tăng nồng độ nitơ nhằm làm gia tăng một cách giả tạo hàm lượng protein trong sữa khiến các nhà kiểm định chất lượng và người tiêu dùng lầm tưởng rằng sữa có hàm lượng protein bình thường hoặc cao (tức là sữa vẫn nguyên chất, không bị pha nước).
Sự hình thành sỏi thận
Nếu chỉ có một mình melamin thì không độc trong những liều thấp, dựa vào một số nghiên cứu trên động vật, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) tính mức độ dung nạp an toàn cho cơ thể mỗi ngày (tolerable daily intake, hay TDI) của melamin là 0,63mg/kg thể trọng/ngày. Cần lưu ý là mức độ này được ước tính dựa trên kết quả nghiên cứu về tác động của melamin đối với động vật chứ chưa phải trên người, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ. Riêng đối với trẻ nhỏ (trẻ ở giai đoạn còn sử dụng sữa là thức ăn chính) cũng là thời điểm chức năng thận chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, nếu nguồn sữa bị nhiễm melamin thì trẻ càng nhỏ, nguy cơ nhiễm độc cũng như mức độ nguy hiểm càng cao và dễ tử vong.
Khi melamin vào cơ thể, chúng không được chuyển hóa tại gan mà đào thải trực tiếp qua thận. Trong máu, khi melamin gặp acid cyanuric, chúng sẽ phản ứng với nhau trong các ống thận, hình thành nên các chất kết tinh, các chất kết tinh này lớn dần gây ra tắc nghẽn làm cho ống thận không tạo được nước tiểu và cũng không đào thải được nước tiểu - đây chính là nguyên nhân dẫn đến suy thận, hoại tử thận, thậm chí là tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT SỎI THẬN DO MELAMIN

Dấu hiệu nhiễm độc melamin giai đoạn đầu rất khó nhận biết. Chỉ được nhận dạng khi đã hình thành sỏi thận. Lúc này, trẻ có thể có những triệu chứng sau: kích thích, khóc hoặc đau khi đi tiểu; tiểu ít hoặc không tiểu được, thậm chí đi tiểu ra máu. Ngoài ra, có thể kèm theo các dấu hiệu nhiễm khuẩn đường niệu: sốt, tiểu đục, tiểu gắt, mệt mỏi, biếng ăn, chậm tăng cân, cao huyết áp; và về lâu dài sẽ dẫn đến suy thận.
Trung tâm Quốc tế nghiên cứu ung thư (IARC) đã có kết luận rằng có bằng chứng trên động vật thí nghiệm cho thấy, melamin có sản sinh chất gây ung thư trong cùng điều kiện mà nó sản sinh ra sỏi bàng quang.



CHÚNG TA CẦN LÀM GÌ?

Nuôi con bằng sữa ngoài có quá nhiều rủi ro. Đó là thông điệp mà WHO đưa ra vào thời điểm này. Tuy nhiên, sữa là nguồn thực phẩm không thể thiếu trong sự phát triển của trẻ nhỏ. Vì vậy ngoài nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu, các bà mẹ nên lựa chọn các loại sữa đã được kiểm định để dùng cho trẻ. Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như trên, hoặc đã từng dùng sản phẩm sữa được công bố có melamin cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có uy tín để được khám và tư vấn.
Điều cuối cùng cần lưu ý, không chỉ sữa mà các sản phẩm từ sữa như sữa chua, bánh quy, phomát... đều có nguy cơ nhiễm gây độc nếu được làm từ sữa có melamin. Vì vậy với các sản phẩm này cũng cần chọn các sản phẩm có nhãn mác và đã được kiểm định bởi các cơ quan có trách nhiệm.



Sunday, June 1, 2014

THẬN ĐA NANG - TRIỆU CHỨNG VÀ ĐIỀU TRỊ


THẬN ĐA NANG- TRIỆU CHỨNG VÀ ĐIỀU TRỊ

THẬN ĐA NANG:

Đây là một căn bệnh di truyền, biểu hiện là có nhiều nang chứa dịch xâm lấn cả vỏ thận lẫn tủy thận. Hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị thận đa nang. Tuy nhiên, nếu hiểu biết về bệnh thận và biết cách đề phòng biến chứng, bệnh nhân vẫn có thể sống an toàn tới 70-75 tuổi.
Nguyên nhân gây bệnh hiện chưa được xác định rõ. Để chuẩn đoán xác định bệnh thường phải xem tính chất gia đình, hoặc khi người bệnh có thể cảm thấy hoặc hoặc sờ thấy ở cả 2 bên vùng hạ sườn - thắt lưng có khối u.

TRIỆU CHỨNG THẬN ĐA NANG

Đau: cảm giác đau thường âm ỉ nhưng cũng có khi dữ dội, đau lan ra trước bụng và lên ngực.
Tiểu ra máu: do nang bị vỡ hoặc do có sỏi thận kèm theo.
Tăng huyết áp: do các động mạch trong thận bị chèn ép.
Viêm đường tiết niệu: thường là viêm bể thận và thận, rất nặng.
Suy thận ở các mức độ khác nhau.
Có sỏi uric do tổn thương biểu mô ống thận, làm giảm hấp thu axit uric.



PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ THẬN ĐA NANG


Phương pháp chủ yếu chữa thận đa nang là điều trị nội khoa đề phòng biến chứng, cụ thể là:
- Theo dõi diễn biến của bệnh một cách kịp thời.
- Có chế độ ăn uống hợp lý, không bia rượu, không thuốc lá, ít thịt, giảm mỡ và tăng cường hoa quả.
- Tránh lao động quá nặng nhọc: đặc biệt phải đề phòng tai nạn va đập mạnh vào vùng thận.
- Làm hạ huyết áp.
- Điều trị sỏi uric bằng cách hạn chế muối.
- Đề phòng nhiểm khuẩn niệu và điều trị kịp thời viêm nhiễm.
- Khi thận bị suy, tùy theo mức độ suy thận, người bệnh cần ăn nhạt, kiêng mỡ, giảm chất đạm; dùng thuốc chống tăng huyết áp, chống thiếu máu...
- Người mắc bệnh thận đa nang chỉ được chỉ định mổ khi sỏi làm tắc đường tiết niệu hoặc nang bị nhiễm khuẩn, chảy máu không khống chế được. Với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
- Trong trường hợp bệnh nhân có tiểu ra máu là đã có biến chứng do vỡ nang thông vào đường tiểu. Cần điều trị thuốc cầm máu trước, nếu không có kết quả cần phẫu thuật cầm máu:
+ Khi nang nhỏ, không biến chứng thì chưa cần can thiệp, cần theo dõi định kì.
+ Khi nang lớn, không biến chứng, điều trị nội khoa không ổn thì cần can thiệp phẫu thuật cắt nang gây ra biến chứng (vì có hàng trăm nang trong thận không thể cắt hết được)
+ Khi có suy thận giai đoạn cuối thì chỉ định chạy thận nhân tạo và chuẩn bị ghép thận.
+ Người cho và người nhận thận phải được xét nghiệm xem có phù hợp về mặt mô học hay không.
+ Bệnh thận đa nang nên theo dõi và điều trị ở những bệnh viện có trang bị thận nhân tạo và có khả năng ghép thận.