Tuesday, January 27, 2015

Lựa chọn biện pháp xử lý sỏi như thế nào?


Một số người bị sỏi thận có nguy cơ bị suy thận nếu không được chữa trị kịp thời. Sỏi thận ở quá lâu trong thận cũng có thể gây ảnh hưởng đến thận. Một số loại sỏi thận có cạnh sắc nhọn có thể làm tổn thương đến các mạch máu nhỏ trong thận và tạo ra sẹo. Vì vậy cần phải tìm đúng loại sỏi và đúng cách điều trị sỏi thận triệt để nếu phát hiện ra bệnh

Nhiều nguy cơ do sỏi thận gây ra

Phần lớn các trường hợp sỏi thận hình thành do nước tiểu bị cô đặc như uống ít nước hoặc tập thể thao quá sức ra nhiều mồ hôi, sự thừa khoáng tinh thể trong nước tiểu. Các khoáng chất như canxi, oxalate, uric axit, natri, cystine hay phốt-pho kết thành một khối rắn và đó chính là sỏi thận. Sỏi thận cũng có thể ra ngoài qua đường tiểu, nhưng cũng có thể ở trong thận, bàng quang hay niệu đạo. Sự di chuyển của sỏi, nhất là những sỏi có gai nhọn sẽ cọ xát vào đường niệu gây ra những cơn đau lưng, đái ra máu nếu sỏi ở thận, niệu quản. Còn sỏi tại bàng quang, niệu đạo sẽ gây đái buốt, đái rắt, đái khó. Nếu bị kẹt trong cuống đài thận, sỏi sẽ chèn ép làm bế tắc cuống đài thận nên đài thận giãn nở, lâu dần thận sẽ giãn mỏng như một túi nước. Khi các đài thận bị căng trướng nước tiểu sẽ tạo ra áp lực cao tác động vào thần kinh thận và vỏ thận gây ra cơn đau quặn thận.
Đặc biệt khi sỏi cọ xát vào đường niệu thì nguy cơ niêm mạc bị phù nề, viêm, là điều kiện tốt cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm đường tiểu. Người bệnh sẽ thấy đau lưng, đái buốt, đái rắt, đái đục. Nếu nhiễm khuẩn nặng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như suy thận. Nếu thận mủ toàn diện có thể phải cắt bỏ thận. Bế tắc đường tiểu làm tồn đọng nước tiểu gây viêm nhiễm lâu ngày sẽ dẫn đến xơ hóa thành đường tiểu kể cả đài thận. Hậu quả của xơ hóa sẽ dẫn đến giảm chức năng co bóp đường tiểu, chít hẹp làm bế tắc đường tiểu, tồn đọng nước tiểu. Viêm nhiễm nặng ở đường tiểu còn làm hoại tử đường tiểu, xuất hiện các lỗ rò ở bàng quang, niệu quản. Đã có những trường hợp vỡ thận và vỡ bàng quang do sỏi. Sự hiện diện lâu ngày của sỏi hai bên niệu quản hay sỏi thận một bên còn bên kia sỏi niệu còn dẫn đến hiện tượng vô niệu (không có nước tiểu). Chức năng thận sẽ bị giảm nếu có sỏi ở hai bên thận, nhất là khi có sự kết hợp của viêm nhiễm gây ra suy thận.

Lựa chọn biện pháp xử lý sỏi như thế nào?

Tùy theo kích thước, vị trí và biến chứng của sỏi gây ra mà có các chỉ định can thiệp lấy sỏi khác nhau. Có những trường hợp cần can thiệp cấp cứu để lấy sỏi ngay, có trường hợp có thể trì hoãn lấy sỏi nghĩa là can thiệp lấy sỏi chủ động theo lịch như mổ lấy sỏi hoặc tán sỏi. Có trường hợp không cần can thiệp gì đối với sỏi nhỏ không gây các biến chứng đau nhiều, đái ra máu hoặc gây biến chứng viêm nhiễm ở thận.
Về điều trị sỏi thận, với bất kỳ loại sỏi nào cũng cần: Uống nhiều nước để dễ tống sỏi ra ngoài; Điều trị các đợt nhiễm khuẩn, viêm nhiễm ở thận; Điều trị các biến chứng hay các yếu tố thuận lợi dễ hình thành sỏi. Khi biết được nguyên nhân hay thành phần của sỏi thì phải điều trị theo nguyên nhân. Cách thức điều trị cũng như tiên lượng của sỏi thận phụ thuộc vào 2 yếu tố chính:
- Về kích thước sỏi: khi sỏi nhỏ hơn 10 mm và sỏi nằm ở đài bể thận, sỏi chưa gây biến chứng thì cố gắng tác động bằng thuốc để sỏi có thể rơi xuống bàng quang một cách tự nhiên và sỏi có thể được đái ra ngoài.
- Vị trí của sỏi: Sỏi thận với kích thước nhỏ hơn 2cm thường được điều trị bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể, tuy nhiên nếu sỏi nằm ở phía đài dưới của thận thì cho kết quả kém hơn. Trong trường hợp sỏi nằm ở vị trí này thì giới hạn chỉ định tán sỏi khi nhỏ hơn 1cm. Phương pháp mổ lấy sỏi qua da vẫn là một cách điều trị tương đối an toàn và hiệu quả nên được chỉ định cho các trường hợp sỏi thận có kích thước lớn, không có khả năng tán hoặc lấy sỏi qua nội soi.
Ngày nay, với sự phát triển của nội soi niệu quản thì ngoài phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể cũng có thể lấy sỏi qua nội soi. Chỉ định lấy sỏi qua nội soi phải dựa vào từng trường hợp cụ thể, thể trạng bệnh nhân, chức năng thận khi phát hiện sỏi cũng như kinh nghiệm của thầy thuốc và phương tiện của cơ sở điều trị.

Lời khuyên: Khoảng 50% bệnh nhân mang sỏi nhỏ không có triệu chứng sẽ trở nên có triệu chứng trong vòng 5 năm. Sỏi san hô ở thận thường liên quan đến nhiễm khuẩn. Do vậy những trường hợp sỏi to thì nên điều trị ngay khi phát hiện ra sỏi.

Vì hơn một nửa số người đã từng bị sỏi thận sẽ tái phát, nên cách tốt nhất là phòng ngừa, như thay đổi cách sống, đặc biệt là khẩu phần ăn và thói quen tập thể dục. Bạn có thể sử dụng thuốc phòng ngừa tái phát sỏi thận. Những người đã từng bị sỏi thận nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày (nếu không bị bệnh gì cần phải hạn chế uống nước). Ngoài ra, nếu đã bị sỏi canxi, có thể cần phải giảm lượng thức ăn chứa nhiều oxalate, canxi như các loại quả hạnh nhân, sôcôla, chè, rau chân vịt, các loại quả mọng như dâu tây. Ăn kiêng với chế độ ăn ít chất đạm cũng làm giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.

Tuesday, January 20, 2015

Để thận của bạn luôn khỏe


1. Vị trí của thận trong cơ thể?

Thận được “đặt” ở phía sau khoang bụng, phía trên thắt lưng. Phía sau thận được bảo vệ bởi xương sườn. Nếu bạn đặt tay lên hông thì đầu ngón tay cái chỉ ra vị trí của thận.

2. Hút thuốc lá ảnh hưởng đến thận?

Đúng. Thận thực hiện các chức năng cần thiết của việc giữ máu trong cơ thể, đào thải các độc tố. Trong thực tế, một số người nghiện thuốc lá bị ung thư biểu mô tế bào thận. Hút thuốc cũng làm tăng lắng đọng cholesterol trong các mạch máu lớn, giảm lượng máu cung cấp cho thận. Điều này có nghĩa là nồng độ oxy trong thận giảm, gây ra tình trạng thiếu oxy, làm giảm bớt khả năng hoạt động tối ưu của thận.

3. Mỗi ngày thận lọc bao nhiêu máu?

Lượng máu được lọc qua thận tùy thuộc vào thể trạng, sức khỏe của mỗi người và sức khỏe của thận. Một người lớn khỏe mạnh, thận làm việc tốt thì sẽ có khoảng 180 lít máu được lọc qua thận mỗi ngày để loại bỏ các chất thải độc hại ra khỏi máu.

4. Những thực phẩm nào tốt cho thận?

Để thận làm việc tốt, khỏe mạnh, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm có hàm lượng kali thấp cho cơ thể. Thận có nhiệm vụ duy trì lượng kali trong cơ thể. Nếu lượng kali tăng có thể dẫn đến sự bất thường trong nhịp tim, thậm chí dẫn đến cơn đau tim. Vì vậy, ăn những thực phẩm có hàm lượng kali thấp sẽ tốt hơn cho thận, ví dụ như dứa, đậu xanh.

5. Nguyên nhân chính gây suy thận là gì?

50% bệnh nhân bị bệnh thận là bởi bệnh tiểu đường gây ra. Ở những bệnh nhân tiểu đường, protein albumin cần thiết cho các chức năng cơ bắp bị rò rỉ vào các đơn vị lọc của thận làm cản trở các ống thải nước tiểu ra khỏi cơ thể. Do đó, nước tiểu được hấp thu ngược trở lại vào cơ thể làm thay đổi sự cân bằng của độ cytokine – phân tử có nhiệm vụ truyền tín hiệu tới các tế bào trong phản ứng miễn dịch, ngừa bệnh. Khi các phân tử này bị suy giảm, có thể dẫn đến tổn thương ở thận và hệ tiết niệu.

Ngoài ra, những người bị cao huyết áp, người bị bệnh lý nhiễm trùng… cũng có thể gặp biến chứng và suy thận.

6. Những thói quen phổ biến nào gây hại thận?

Một số thói quen gây hại thận bao gồm:

- Uống ít nước: Nước có nhiệm vụ pha loãng nước tiểu. Nước tiểu được bài tiết nhanh chóng không chỉ giúp ngăn ngừa sỏi mà còn “làm nhạt” nước tiểu khi ăn quá nhiều muối, từ đó bảo vệ thận.

- Lạm dụng thuốc giảm đau: Sử dụng thuốc giảm đau lâu dài làm giảm tốc độ dòng chảy trong máu của cơ thể, do đó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thận. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc giảm đau của bệnh nhân suy thận cũng dễ dẫn đến ung thư bàng quang.

- Ăn quá nhiều muối: 95 % muối trong chế độ ăn uống được chuyển hóa bởi thận, nếu không kịp đào thải nó sẽ tiếp tục tăng thêm gánh nặng, dẫn đến giảm chức năng thận.

7. Các biện pháp phòng ngừa suy giảm chức năng thận?

Để thận khỏe mạnh, bạn cần lưu ý các biện pháp sau:

- Nếu người bệnh có bệnh tiểu đường cần điều trị tốt đường máu ở mức bình thường và thường xuyên kiểm tra định kỳ chất đạm trong nước tiểu.

- Không hút thuốc lá, uống nhiều rượu.

- Nên ăn các thức ăn có lợi như ít muối, ít chất béo, ăn nhiều cá, rau quả. Một số loại thức ăn ít muối như thực phẩm tươi, trái cây, củ hành, tiêu, chanh, gừng…

- Uống đủ nước, tập thể dục đều đặn.

- Không tự ý dùng thuốc bừa bãi.

- Khám bác sĩ khuyên bạn nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần. Khi khám thận cần chú ý kiểm tra huyết áp, nước tiểu, xét nghiệm máu…


Monday, January 12, 2015

Bệnh Polyp túi mật

Bệnh Polyp túi mật khá phổ biến, dễ phát hiện qua siêu âm. Đa số là lành tính nhưng một số trở thành ung thư nên đã làm nhiều người hốt hoảng khi kiểm tra sức khoẻ phát hiện polyp túi mật. Hãy yên tâm!



Polyp túi mật là gì?
Polyp túi mật là một hay nhiều khối nổi lên trên bề mặt niêm mạc túi mật, nhô vào trong lòng túi mật. Các polyp này thường được tình cờ phát hiện khi làm siêu âm bụng. Trong 100 người bình thường, nếu cho làm siêu âm bụng sẽ phát hiện từ 1 đến 4 người có polyp túi mật (theo thống kê của nước ngoài). Đại đa số (95% trường hợp) polyp không phải là dạng u tân sinh mà chỉ là “u giả” do đọng cholesterol hoặc viêm nhiễm. Các loại này gần như không có tiềm năng hoá ác. Do đó, mọi người không nên quá sợ hãi khi phát hiện polyp trong túi mật của mình.

Chẩn đoán polyp túi mật
Hầu hết các trường hợp polyp túi mật đều không gây cảm giác khó chịu gì đối với cơ thể. Chẩn đoán polyp túi mật chủ yếu là tình cờ phát hiện khi làm siêu âm ổ bụng. Siêu âm cũng như các phương tiện chẩn đoán khác chỉ phát hiện polyp túi mật mà không xác định được bản chất của nó là có tiềm năng ác tính hay không. Những polyp nhỏ hơn 10 mm thì được coi như là không có tiềm năng ác tính.

Chỉ định điều trị
Polyp túi mật đa số lành tính và không gây rối loạn gì cho nên đa số là không cần can thiệp. Không có thuốc điều trị làm tan polyp.
Thái độ tốt nhất là theo dõi siêu âm mỗi 6 tháng. Chỉ định phẫu thuật cho những trường hợp sau:
- Bệnh nhân có những cơn đau quặn mật
- Polyp có đường kính lớn hơn 10 mm hoặc đường kính tăng lên gấp đôi so với lần phát hiện ban đầu.

Phẫu thuật tốt nhất là cắt túi mật qua nội soi ổ bụng. Phẫu thuật nội soi cắt túi mật khá đơn giản, mau bình phục, ít biến chứng, hiệu quả điều trị khỏi bệnh hoàn toàn.



Thursday, January 8, 2015

TAI BIẾN, BIẾN CHỨNG KHI TÁN SỎI THẬN

Thời gian gần đây, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) tiếp nhận một số bệnh nhân bị biến chứng giập, vỡ thận sau khi tán sỏi ở một số bệnh viện tỉnh, thành khác. Nhiều bệnh nhân rất lo lắng về các biến chứng này. 
Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị sỏi ít xâm lấn, an toàn, hiệu quả, nhưng bệnh nhân vẫn có thể bị tai biến, biến chứng do nhiều nguyên nhân khác nhau.

GIẬP THẬN SAU 3 LẦN TÁN SỎI

Khi mới tán sỏi xong, bệnh nhân thường bị tiểu máu nhưng ở mức độ nhẹ (nước tiểu màu hồng, từ từ nước tiểu nhạt dần và bình thường trở lại). Sau khi tán sỏi, bệnh nhân được bác sĩ cho thuốc về nhà uống và dặn theo dõi sức khỏe. Nếu có sốt nhiễm trùng, đau lưng quá nhiều mà uống thuốc 1-2 ngày không bớt, phải quay lại khám ngay để kiểm tra có biến chứng không.
Nếu bệnh nhân bị vỡ thận gây chảy máu ồ ạt thì phải cắt bỏ thận vỡ để cứu mạng bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân bị giập thận mức độ vừa, nhẹ thì chỉ cần điều trị nội khoa để bảo tồn thận. Việc điều trị thường kéo dài vài tuần đến vài tháng.
Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Tế Kha - phó khoa niệu A Bệnh viện Bình Dân - cho biết tán sỏi ngoài cơ thể (tán sỏi) là phương pháp điều trị sỏi ít xâm lấn, an toàn đối với sỏi niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản) có kích thước nhỏ dưới 2cm.
Trung bình một ngày Bệnh viện Bình Dân tán sỏi cho 10-15 bệnh nhân, kết quả có trên 80% bệnh nhân hết sỏi và sạch sỏi. Tuy có kết quả tốt đối với đa số bệnh nhân nhưng một số rất ít bệnh nhân vẫn có thể bị tai biến, biến chứng sau khi tán sỏi.
Trong tháng 8 và 9-2014, Bệnh viện Bình Dân tiếp nhận ba bệnh nhân bị biến chứng sau tán sỏi ở một số địa phương đến điều trị. Trong đó, bệnh nhân D.V.C (48 tuổi, ngụ Bến Tre) đến khám ngày 3-9 trong tình trạng tổn thương thận (giập thận), sỏi thận chưa tán hết, chảy máu nhẹ.
Bệnh nhân được cho thuốc điều trị nội khoa, tiếp tục theo dõi và sau đó sẽ tiếp tục tán sỏi lần thứ tư để giải quyết sỏi còn lại ở thận.
Theo ông D.V.C, trước đó ông đến một bệnh viện ở Bến Tre để tán sỏi. Sau ba lần được bác sĩ điều trị sỏi thận bằng phương pháp này ông thấy đau nhiều, đi tiểu có máu, bầm tím xung quanh hông lưng phải nhập viện ở Bến Tre điều trị... Sau khi xuất viện vì lo lắng cho sức khỏe, ông đã đến Bệnh viện Bình Dân khám và điều trị..
Trước đó, ngày 8-8, Bệnh viện Bình Dân tiếp nhận điều trị bệnh nhân P.T.T. (70 tuổi, ngụ Ninh Thuận) đến khám vì bị giập thận, chảy máu xung quanh thận và bệnh nhân Đ.N.S. (43 tuổi, ngụ Bình Định) bị vỡ thận một phần, chảy máu ngoài bao thận.
Cả hai bệnh nhân này trước đó cũng được tán sỏi ở bệnh viện tại tỉnh.

                                       

DO MÁY MÓC, TAY NGHỀ BÁC SĨ

Theo bác sĩ Tế Kha, tỉ lệ tai biến, biến chứng sau tán sỏi thấp, biến chứng thường nhẹ và đa số có thể điều trị nội khoa cho kết quả tốt. Các tai biến, biến chứng thường gặp là đau sau tán sỏi.
Thường bệnh nhân bị đau tại vị trí da tiếp xúc với bầu nước của máy tán sỏi và đau tạng (gan, thận, tụy, lách) do căng bao thận và tổ chức quanh thận. Bệnh nhân cũng có thể bị đốm xuất huyết hay vết bầm da tại vị trí da tiếp xúc với bầu nước của máy tán sỏi.
Ngoài ra, tiểu máu (nhiều hoặc ít), tổn thương đụng giập thận sau tán sỏi cũng là biến chứng thường gặp ở hầu hết bệnh nhân được tán sỏi.
Bệnh nhân còn có thể bị một số tai biến, biến chứng ít gặp hơn như máu tụ dưới bao thận; chuỗi sỏi vụn bị kẹt ở niệu quản do sỏi vỡ vụn thoát xuống niệu quản nhiều và nhanh; nhiễm trùng niệu diễn tiến do bệnh nhân đã bị nhiễm trùng niệu mà không được điều trị tích cực trước tán sỏi hoặc do vi khuẩn được phóng thích vào nước tiểu khi sỏi vỡ vụn...
Đặc biệt, bệnh nhân cũng có thể gặp các tai biến, biến chứng hiếm gặp hơn như vỡ thận, vỡ gan, vỡ lách; ho ra máu, tràn máu màng phổi; viêm tụy gây tăng Amylase trong máu và nước tiểu; viêm gan gây tăng SGOT, SGPT trong máu; xuất huyết ruột non, đau do co thắt ruột.
Bác sĩ Tế Kha lưu ý biến chứng nặng (tỉ lệ 0,5-1%) có thể gây tử vong cho bệnh nhân bị nhiễm trùng niệu nặng chưa được điều trị tới nơi tới chốn mà tán sỏi. Trường hợp này sẽ đưa tới nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm trùng, khiến bệnh nhân có thể tử vong.
Riêng biến chứng vỡ thận dưới bao hoặc ngoài bao (tỉ lệ 1-2%) tuy nặng nhưng có thể điều trị bảo tồn giữ lại được quả thận hoặc có thể phải mổ cắt bỏ quả thận để cầm máu. Biến chứng vỡ thận phải cắt bỏ thận từ trước đến nay Bệnh viện Bình Dân chưa ghi nhận trường hợp nào.
Theo BS Tế Kha, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai biến khi tán sỏi: do máy tán sỏi, kỹ thuật tán sỏi và trình độ, kinh nghiệm chuyên môn của bác sĩ thực hiện kỹ thuật này.
“Nếu bác sĩ có tay nghề giỏi, nhiều kinh nghiệm, được đào tạo bài bản thì khi bắn sỏi sẽ biết tập trung chùm tia laser vào mục tiêu viên sỏi thận và bắn trúng đích, theo dõi thật kỹ bệnh nhân trong lúc tán sỏi để biết cường độ tia đã thích hợp chưa để điều chỉnh tăng, giảm cho phù hợp và hiệu quả” - BS Kha nói.


Theo báo tuoitre.vn


Tuesday, January 6, 2015

Sỏi Đường Tiết Niệu - Điều Trị Sao Cho Hiệu Quả

Sỏi thận tiết niệu là bệnh khá thường gặp ở nước ta, chiếm tỉ lệ 10 - 15% dân số, chiếm 45 - 50% bệnh tiết niệu. Sỏi thận tiết niệu nếu phát hiện sớm, chọn đúng phương pháp điều trị hết sỏi, không ảnh hưởng đến chức năng của thận, hạn chế tái phát.
Sỏi thận là một hiện tượng chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Sỏi được tạo ra do nhiều nguyên nhân và thường do sự phối hợp của nhiều nguyên nhân như uống ít nước, ăn uống nhiều canxi, rối loạn chuyển hóa, di truyền... Hơn 90% sỏi được cấu tạo bởi canxi hoặc magiê, phối hợp với oxalat, phosphat và urat.
Những năm gần đây nhờ sự phát triển của ngành Y - Dược, điều trị sỏi thận tiết niệu đã có những tiến bộ vượt bậc, đã làm thay đổi hẳn về điều trị sỏi thận tiết niệu. Bệnh nhân phải phẫu thuật đã giảm hẳn, hiện nay tỉ lệ phải phẫu thuật < 10%. Thay vào đó là các phương pháp điều trị nội khoa, phương pháp ngoại khoa kết hợp thuốc uống, Y học cổ truyền, biện pháp ăn uống, luyện tập...
Việc quyết định lựa chọn phương pháp điều trị sỏi dựa vào các tiêu chí sau: Vị trí sỏi, kích thước, mật độ của sỏi và chức năng của thận…



ĐIỀU TRỊ NGOẠI KHOA

Với những sỏi có kích thước lớn hoặc đã có biến chứng thì thường áp dụng các biện pháp như: tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, phẫu thuật lấy sỏi,…

1. Tán sỏi ngoài cơ thể

Máy tán sỏi phát ra tia laser hoặc sóng xung kích, phá bề mặt sỏi, đập vụn sỏi ra và đào thải ra ngoài theo đường nước tiểu. Bệnh nhân hầu như không đau đớn. Phương pháp này áp dụng với bệnh nhân có sỏi khoảng dưới 3cm.
Vị trí: Sỏi bể thận hoặc nhóm đài trên, nếu nhóm đài dưới cổ đài phải rộng. Sỏi 1/3 trên niệu quản.

2. Tán sỏi nội soi ngược dòng

Dùng ống soi niệu quản đi từ niệu đạo, lên bàng quang và lên niệu quản tiếp cận trực tiếp viên sỏi, dùng nguồn năng lượng bằng laser hoặc khí nén để phá vụn sỏi, bơm rửa lấy hết sỏi.
Tán những sỏi 1/3 giữa và 1/3 dưới niệu quản đối với nam giới, ở nữ giới có thể tán sỏi cao hơn lên ngang đốt sống L3, L4. Tán sỏi bằng Laser đang được thực hiện ở những nước phát triển thế giới, ưu việt hơn hẳn so với tán sỏi bằng khí nén và siêu âm. Laser có thể tán được mọi loại sỏi, kích thước < 2cm, nếu có polyp bao quanh sỏi có dùng laser để đốt polyp và sau đó tán sỏi.

3. Lấy sỏi thận qua da

Tạo đường hầm vào thận, và đưa ống nội soi đường kính 10 – 15mm vào tiếp cận sỏi. Phá vỡ sỏi bằng Laser hoặc khí nén hoặc siêu âm phá vỡ sỏi và lấy sỏi ra ngoài.
- Chỉ định cho sỏi bể thận. Sỏi có kích thước lớn, sỏi san hô, sỏi cứng, sỏi nhóm đài dưới.

4. Phẫu thuật nội soi lấy sỏi

Chỉ định cho những sỏi bể thận, sỏi 1/3 trên niệu quản. Những sỏi lớn, mật độ chắc.
Phẫu thuật mổ mở Hiện nay có chỉ định ít hơn do nhiều tai biến, thời gian hồi phục lâu. Áp dụng cho những sỏi thận, niệu quản kích thước lớn, chức năng thận kém.
Phẫu thuật bằng Robot: Thực hiện ở những nước phát triển, chỉ định cho những sỏi thận lớn, rút ngắn thời gian nằm viện, chi phí rất cao.

ĐIỀU TRỊ NỘI KHOA

Với những vừa hoặc chưa có biến chứng thì việc dùng các thuốc uống giúp tan sỏi sẽ thích hợp hơn bởi tính an toàn, tiện dụng, không đau đớn.
-Dùng thuốc đông y như Kim tiền thảo, bông mã đề, chuốt hột (sắc nước uống), kết hợp uống nhiều nước, vận động.....
-Dùng thuốc giãn cơ trơn, giảm đau nếu cần.
Bệnh nhân cần được theo dõi bằng siêu âm, nếu sau 1- 2 tháng kích thước sỏi không giảm cần chuyển phương pháp điều trị.
Nói chung, với nhiều phương pháp như hiện nay thì việc điều trị sỏi thận không còn khó khăn nhưng hầu hết các phương pháp này chỉ mới điều trị hết sỏi chứ chưa ngăn ngừa tái phát nên bệnh nhân thường phải điều trị nhiều lần gây tâm lý mệt mỏi, lo lắng.
Từ nguyên nhân gây bệnh ta thấy: để điều trị tận gốc bệnh sỏi thận, tránh tái phát cần phải kiểm soát được lượng khoáng chất phát triển trong nước tiểu không được tăng quá mức. Điều này thì các phương pháp như phẫu thuật, tán sỏi,…chưa làm được.
Trong các thuốc điều trị sỏi thận, thuốc chiết xuất từ Kim tiền thảo có tác dụng hiệu quả nhất được ghi nhận cho tới nay. Cơ chế tác dụng của Kim tiền thảo là đa cơ chế: ngăn chặn kết tụ sỏi, bào mòn sỏi bài thạch, lâm thông, có tác dụng kiểm soát lượng khoáng chất trong nước tiểu rất tốt nên có tác dụng điều trị và phòng tái phát sỏi thận.
Sỏi thận tiết niệu nếu phát hiện sớm, chọn đúng phương pháp điều trị hết sỏi, không ảnh hưởng đến chức năng của thận, hạn chế tái phát. Nếu không có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, nặng nề như tăng huyết áp, viêm thận bể thận mạn, ứ mủ thận, suy thận cấp. và đặc biệt suy thận giai đoạn cuối phải điều trị thay thế thận.