Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị sỏi ít xâm lấn, an toàn, hiệu quả, nhưng bệnh nhân vẫn có thể bị tai biến, biến chứng do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Khi mới tán sỏi xong, bệnh nhân thường bị tiểu máu nhưng ở mức độ nhẹ (nước tiểu màu hồng, từ từ nước tiểu nhạt dần và bình thường trở lại). Sau khi tán sỏi, bệnh nhân được bác sĩ cho thuốc về nhà uống và dặn theo dõi sức khỏe. Nếu có sốt nhiễm trùng, đau lưng quá nhiều mà uống thuốc 1-2 ngày không bớt, phải quay lại khám ngay để kiểm tra có biến chứng không.
Nếu bệnh nhân bị vỡ thận gây chảy máu ồ ạt thì phải cắt bỏ thận vỡ để cứu mạng bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân bị giập thận mức độ vừa, nhẹ thì chỉ cần điều trị nội khoa để bảo tồn thận. Việc điều trị thường kéo dài vài tuần đến vài tháng.
Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Tế Kha - phó khoa niệu A Bệnh viện Bình Dân - cho biết tán sỏi ngoài cơ thể (tán sỏi) là phương pháp điều trị sỏi ít xâm lấn, an toàn đối với sỏi niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản) có kích thước nhỏ dưới 2cm.
Trung bình một ngày Bệnh viện Bình Dân tán sỏi cho 10-15 bệnh nhân, kết quả có trên 80% bệnh nhân hết sỏi và sạch sỏi. Tuy có kết quả tốt đối với đa số bệnh nhân nhưng một số rất ít bệnh nhân vẫn có thể bị tai biến, biến chứng sau khi tán sỏi.
Trong tháng 8 và 9-2014, Bệnh viện Bình Dân tiếp nhận ba bệnh nhân bị biến chứng sau tán sỏi ở một số địa phương đến điều trị. Trong đó, bệnh nhân D.V.C (48 tuổi, ngụ Bến Tre) đến khám ngày 3-9 trong tình trạng tổn thương thận (giập thận), sỏi thận chưa tán hết, chảy máu nhẹ.
Bệnh nhân được cho thuốc điều trị nội khoa, tiếp tục theo dõi và sau đó sẽ tiếp tục tán sỏi lần thứ tư để giải quyết sỏi còn lại ở thận.
Theo ông D.V.C, trước đó ông đến một bệnh viện ở Bến Tre để tán sỏi. Sau ba lần được bác sĩ điều trị sỏi thận bằng phương pháp này ông thấy đau nhiều, đi tiểu có máu, bầm tím xung quanh hông lưng phải nhập viện ở Bến Tre điều trị... Sau khi xuất viện vì lo lắng cho sức khỏe, ông đã đến Bệnh viện Bình Dân khám và điều trị..
Trước đó, ngày 8-8, Bệnh viện Bình Dân tiếp nhận điều trị bệnh nhân P.T.T. (70 tuổi, ngụ Ninh Thuận) đến khám vì bị giập thận, chảy máu xung quanh thận và bệnh nhân Đ.N.S. (43 tuổi, ngụ Bình Định) bị vỡ thận một phần, chảy máu ngoài bao thận.
Cả hai bệnh nhân này trước đó cũng được tán sỏi ở bệnh viện tại tỉnh.
DO MÁY MÓC, TAY NGHỀ BÁC SĨ
Theo bác sĩ Tế Kha, tỉ lệ tai biến, biến chứng sau tán sỏi thấp, biến chứng thường nhẹ và đa số có thể điều trị nội khoa cho kết quả tốt. Các tai biến, biến chứng thường gặp là đau sau tán sỏi.
Thường bệnh nhân bị đau tại vị trí da tiếp xúc với bầu nước của máy tán sỏi và đau tạng (gan, thận, tụy, lách) do căng bao thận và tổ chức quanh thận. Bệnh nhân cũng có thể bị đốm xuất huyết hay vết bầm da tại vị trí da tiếp xúc với bầu nước của máy tán sỏi.
Ngoài ra, tiểu máu (nhiều hoặc ít), tổn thương đụng giập thận sau tán sỏi cũng là biến chứng thường gặp ở hầu hết bệnh nhân được tán sỏi.
Bệnh nhân còn có thể bị một số tai biến, biến chứng ít gặp hơn như máu tụ dưới bao thận; chuỗi sỏi vụn bị kẹt ở niệu quản do sỏi vỡ vụn thoát xuống niệu quản nhiều và nhanh; nhiễm trùng niệu diễn tiến do bệnh nhân đã bị nhiễm trùng niệu mà không được điều trị tích cực trước tán sỏi hoặc do vi khuẩn được phóng thích vào nước tiểu khi sỏi vỡ vụn...
Đặc biệt, bệnh nhân cũng có thể gặp các tai biến, biến chứng hiếm gặp hơn như vỡ thận, vỡ gan, vỡ lách; ho ra máu, tràn máu màng phổi; viêm tụy gây tăng Amylase trong máu và nước tiểu; viêm gan gây tăng SGOT, SGPT trong máu; xuất huyết ruột non, đau do co thắt ruột.
Bác sĩ Tế Kha lưu ý biến chứng nặng (tỉ lệ 0,5-1%) có thể gây tử vong cho bệnh nhân bị nhiễm trùng niệu nặng chưa được điều trị tới nơi tới chốn mà tán sỏi. Trường hợp này sẽ đưa tới nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm trùng, khiến bệnh nhân có thể tử vong.
Riêng biến chứng vỡ thận dưới bao hoặc ngoài bao (tỉ lệ 1-2%) tuy nặng nhưng có thể điều trị bảo tồn giữ lại được quả thận hoặc có thể phải mổ cắt bỏ quả thận để cầm máu. Biến chứng vỡ thận phải cắt bỏ thận từ trước đến nay Bệnh viện Bình Dân chưa ghi nhận trường hợp nào.
Theo BS Tế Kha, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai biến khi tán sỏi: do máy tán sỏi, kỹ thuật tán sỏi và trình độ, kinh nghiệm chuyên môn của bác sĩ thực hiện kỹ thuật này.
“Nếu bác sĩ có tay nghề giỏi, nhiều kinh nghiệm, được đào tạo bài bản thì khi bắn sỏi sẽ biết tập trung chùm tia laser vào mục tiêu viên sỏi thận và bắn trúng đích, theo dõi thật kỹ bệnh nhân trong lúc tán sỏi để biết cường độ tia đã thích hợp chưa để điều chỉnh tăng, giảm cho phù hợp và hiệu quả” - BS Kha nói.
Theo báo tuoitre.vn
0 comments:
Post a Comment