Sunday, December 29, 2013

Nâu của bố

Trong ngành Y, những người càng say nghề lại càng quên mất sức khỏe chính mình. Bệnh nhân đông lắm. Công việc cứ ngày càng ùn ùn kéo đến. Không thể dừng được. Vậy nên về sau con đừng ỷ lại mình là con của hai bác sỹ mà chủ quan không tự chăm lo sức khỏe của bản thân con nhé. Con phải tự lập và tự biết cách chăm sóc bản thân.

Nâu của bố,
Có lẽ cũng đã rất lâu rồi bố mới viết thư cho một người, và người đó lại là con, cậu bé kháu khỉnh mới sáu tháng tuổi chỉ biết nhoẻn miệng cười và nhìn trộm bố mỗi khi bố ngồi làm việc. Con hẳn chưa biết đọc mà hiểu được những dòng chữ này, nhưng bố hứa sẽ giữ nó cho đến khi con đủ lớn để hiểu được.
Nâu biết không,
Con được bắt đầu từ nước Pháp, một đất nước tươi đẹp và văn minh, nơi con người và thiên nhiên đều thân thiện, nhưng con lại chào đời ở Việt Nam - quê hương của gia đình chúng ta. Bố muốn kể thật nhiều cho con biết về nước Pháp, vì nó đã trở thành quê hương thứ hai của Bố. Đó là một miền đất chứa đầy huyền thoại, yêu thương, nghệ thuật và khoa học. Nếu như sau này con muốn tìm hiểu lịch sử phát triển của loài người, nhớ tìm đến nước Pháp con nhé.
Nhưng hôm nay bố có nhiều tâm sự muốn kể cho con nghe, không phải về nước Pháp. Con hãy cứ coi như đây là những lời đầu tiên bố dành viết riêng cho con. Hôm nay con ốm.

 

Nâu à,
Rồi một ngày kia con sẽ trưởng thành và sẽ hiểu thêm được công việc của bố mẹ trong những ngày này, khi nhìn thấy con ốm mà lòng bố thật không yên. Mùa rét. Bệnh nhân đông hơn. Và con cũng ốm. Bố và mẹ đều phải đi làm từ sớm và chỉ về nhà khi con chuẩn bị ăn bột rồi đi ngủ. Bố chỉ kịp ôm con chưa đầy ba mươi phút thì đã phải dỗ dành cho giấc ngủ của con được sâu. Bà trách bố mẹ “chúng mày thật vô tâm!” Bố im lặng. Chẳng nhẽ lại bỏ bệnh nhân mà về? Mẹ con cũng đã cố gắng lắm rồi. Mùa rét, bệnh nhân đông lắm. Con hiểu cho bố mẹ con nhé?
Nghề của bố mẹ là vậy đấy, con phải để cho ông bà chăm, còn con người khác thì mình lo lắng điều trị. Vì thế khi lớn lên một chút rồi, bố sẽ không chiều con đâu đấy. Bố sẽ dạy con cách sống tự lập ngay từ khi lên ba tuổi con à. Sự tự lập rất cần thiết trong cuộc sống ngày nay, đặc biệt đối với con của hai bác sĩ như con. Con sẽ phải dần quen với sự vắng nhà của bố mẹ, quen với việc tự lo ăn uống, tự đi học, tự đi thi… Bố tin con sẽ làm được đúng không?
Nâu,
Con có biết vì sao bố lại rất yêu con hay không? Đó là vì khi con mới chào đời năm ngày, bố đã suýt nữa lìa xa cõi trần chỉ vì sự chủ quan sức khỏe bản thân mình. Bố ốm nặng đến mức phải đối mặt với sự sống và cái chết. Một cỗ máy như bố, trong hơn mười năm trời liên tục chỉ biết học, đọc, trực và khám bệnh, mỗi ngày ngủ năm giờ đồng hồ, cuối cùng cũng gục ngã. Bố đâu ngờ được do quá căng thẳng và ăn uống thất thường mà bố đã bị loét hành tá tràng và dẫn đến vỡ mạch máu ở đó. Giờ phút cấp cứu, mẹ nắm chặt tay bố. Trong lúc mơ màng bố vẫn nhận ra điều ấy. Và bố đã nghĩ: bố không thể bỏ hai mẹ con ở lại được. Bố cần tiếp tục.
Đồng nghiệp của bố cũng thường có chung số phận như vậy. Bố biết điều đó. Trong ngành Y, những người càng say nghề lại càng quên mất sức khỏe chính mình. Và đó là một sự thật đáng xấu hổ, bởi đáng lẽ là người giáo dục sức khỏe cho cộng đồng thì bố và đồng nghiệp của bố phải là người gương mẫu hơn ai hết. Nhưng không thể con ạ. Bệnh nhân đông lắm. Công việc cứ ngày càng ùn ùn kéo đến. Không thể dừng được. Vậy nên về sau con đừng ỉ lại mình là con của hai bác sỹ mà chủ quan không tự chăm lo sức khỏe của bản thân con nhé. Con phải tự lập và tự biết cách chăm sóc bản thân.
Con trai,
Nhìn con ngủ yên mà lòng bố thấy tiếc lắm, sáng mai chỉ kịp thơm lên trán con rồi phải đi làm mất rồi. Có lẽ vì ít được nhìn thấy bố mẹ nên lúc nào con cũng tỏ ra hào hứng, thậm chí còn gào lên thành tiếng rất khoái chí mỗi khi chơi với bố. Cứ mỗi lần như vậy bố lại ao ước đến ngày con gọi thành tiếng “Bố ơi!” Lúc đấy hẳn bố sẽ là một người bố hạnh phúc. Nhưng điều mà bố sẽ còn mãi trăn trở cho đến khi nhìn thấy con trưởng thành, đó là “liệu con có thể tự lập mà sống trong cuộc sống đầy phức tạp này được không?” Bởi vì con là con của bố và mẹ.
Yêu con và mong con chóng khỏe.


thuoc chua benh soi than

0 comments:

Post a Comment