Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, BN được chuyển đến BV đúng vào sáng mùng 1 Tết, trong tình trạng sốc, tụt huyết áp. Trước đó một ngày, BN được điều trị tại BVĐK tỉnh Thái Bình nhưng không tiến triển nên đã được chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại đây, dù đã được các bác sĩ điều trị tích cực, sử dụng các loại thuốc vận mạch tăng huyết áp nhưng BN đã không thể qua khỏi và tử vong ngay trong đêm mùng 1 Tết. Kết quả xét nghiệm dương tính với khuẩn liên cầu lợn.
Tiết canh nhiễm liên cầu lợn
Khai thác tiền sử BN cho thấy, ngày 28 Tết, BN có ăn món tiết canh lợn cùng với 5 người khác trong bữa cơm tất niên, nhưng chỉ có BN này nhiễm bệnh một ngày sau đó với các triệu chứng sốt nóng, sốt lạnh, rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên do chủ quan, BN đã không đến BV điều trị. Đến chiều 30 Tết, người nhà thấy BN mệt, lả đi, huyết áp tụt mới đưa đến trạm y tế xã khám, sau đó chuyển lên BVĐK tỉnh rồi lên thẳng BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương khi tình trạng đã quá nguy kịch.
Người nhà BN cho hay, lợn sạch do nhà tự nuôi nên mới dám đánh tiết canh để ăn “giải đen”, không ngờ chưa thấy "vận đỏ" đã mất mạng, tang tóc đúng năm mới!
Theo BS Cấp, ca bệnh này diễn tiến rất nhanh, thể tối cấp. Chỉ sau một ngày sốt bệnh nhân đã tụt huyết áp, sốc dù chưa có những dấu hiệu điển hình của liên cầu. Song, kết quả xét nghiệm đã khẳng định bệnh nhân dương tính với liên cầu lợn. Việc cảm nhiễm vi khuẩn liên cầu phụ thuộc vào cơ địa mỗi người, cũng như số lượng vi khuẩn liên cầu xâm nhập vào cơ thể. Điều này lý giải vì sao chỉ một trong số 5 người đã ăn tiết canh nhiễm bệnh trong trường hợp này.
Cũng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận gần chục ca bệnh nghi ngờ nhiễm liên cầu lợn và có tiền sử ăn tiết canh. Các ca bệnh này đến rải rác từ các vùng miền và cả tại Hà Nội.
Đáng lo ngại, dù báo chí đã tích cực đăng tải thông tin khuyến cáo của các chuyên gia y tế song hiện vẫn đang tồn tại xu hướng người dân tự nuôi lợn cho gia đình để thịt ăn và đánh tiết canh do nghĩ là lợn “lành”. Dịp tết, rất nhiều gia đình thôn quê đã mổ lợn tại gia và tự đánh tiết canh ăn uống mà không hề biết sợ.
BS Cấp cảnh báo, vi khuẩn liên cầu thường cư trú ở vùng họng con lợn mà không gây bệnh (hay còn gọi là lợn lành mang trùng). Chúng có khả năng sống được 10 phút ở nhiệt độ 60 độ C. Chính vì thế, khi ăn thịt lợn chưa nấu chín, hoặc ăn tiết canh từ những con lợn này, nguy cơ nhiễm bệnh sẽ rất cao. Ngoài ra, trong quá trình chế biến, tiếp xúc trực tiếp (vệ sinh chuồng trại, giết mổ) cũng có thể lây bệnh sang người nếu có các vết xước chân, tay (ở nhiệt độ 25 độ C, khuẩn này sẽ sống được 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân).
Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn có thể vài tiếng đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Người nhiễm liên cầu lợn thường có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, đi ngoài (nhưng không đi nhiều lần) khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. Trong khi đó, liên cầu lợn gây ra tình trạng bệnh lý rất nặng nề, đe dọa tử vong cao, nếu BN qua khỏi cũng để lại nhiều di chứng nặng nề, nhất là khi điều trị muộn.
Do đó, khi có dấu hiệu sốt cao sau ăn tiết canh, các sản phẩm chưa được nấu chín từ lợn, người dân nên chủ động đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị sớm, hạn chế nguy cơ tử vong. Để phòng bệnh, tuyệt đối không ăn tiết canh, các sản phẩm chưa nấu chín; khi giết mổ, tiếp xúc với chuồng trại chăn nuôi cần mang trang phục bảo hộ tránh mắc bệnh…
0 comments:
Post a Comment