Sunday, April 6, 2014

Xét nghiệm, siêu âm: Thái quá và bất cập


Thưa bác, hai vợ chồng cháu lấy nhau đã hơn 2 năm, chúng cháu không dùng bất kỳ biện pháp tránh thai nào mà tới nay vẫn chưa có một lần thụ thai. Vợ chồng cháu sốt ruột đã đành, nhưng còn “sức ép” của gia đình bên chồng đã làm cháu quá mệt mỏi, vì anh ấy là con “độc đinh”, lại là trưởng họ... Nếu
không có con thì hạnh phúc chúng cháu khó tồn tại... Rồi người bệnh òa lên khóc.
Bác ơi! Đây là kết quả xét nghiệm, siêu âm chụp Xquang của hai vợ chồng cháu mới làm xong. Cháu có hỏi nhưng không được giải thích. Bác sĩ bảo phải thụ tinh ống nghiệm, nếu vậy thì khả năng kinh tế của chúng cháu không thể đáp ứng và bác sĩ bảo thụ tinh ống nghiệm chưa chắc một lần đã được... Người bệnh lại khóc và đưa cho tôi một tập các xét nghiệm, siêu âm, Xquang.
Hình ảnh minh họa thụ tinh nhân tạo
Cầm tập hồ sơ mà tôi cũng cảm thấy choáng vì rất nhiều xét nghiệm, siêu âm đã được chỉ định: siêu âm đầu dò âm đạo, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm tinh dịch đồ, xét nghiệm nội tiết... Tôi đếm được khoảng gần 30 chỉ số xét nghiệm từ creatinin, GOS, công thức máu, mỡ máu, đường huyết, protein niệu...
Sau khi đọc xong các kết quả, tôi thấy kết luận về phía vợ chỉ là rối loạn kinh nguyệt và niêm mạc tử cung mỏng, còn chồng là tinh trùng yếu và thiếu nên dẫn đến khó có thai. Tôi khuyên bệnh nhân nên dùng thuốc để điều trị cho vợ và chồng (Tây y hoặc Đông y) và sinh hoạt vào thời điểm có thể thụ thai (thời kỳ rụng trứng), bồi bổ sức khỏe và không nên quá lo lắng. Thời gian thấm thoát trôi đi, khoảng 3 tháng sau, trong khi đang ngồi làm việc, tôi nhận được điện thoại của người bệnh báo tin vui đã có thai.
Từ việc đó, tôi suy ngẫm một điều khá lý thú trong nghề nghiệp và cuộc sống - đó là vấn đề hữu dư và bất cập. Mọi người đều thừa nhận việc dùng xét nghiệm và hình ảnh để chẩn đoán bệnh giúp người thầy thuốc xác định chính xác và nhanh chóng nguyên nhân, từ đó giúp việc điều trị bệnh đạt hiệu quả cao và ít tốn kém. Bởi vậy, ngoài việc chẩn đoán lâm sàng thì các xét nghiệm và chẩn đoán qua hình ảnh là không thể thiếu được. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay, người ta thường lạm dụng tới mức không cần thiết việc chẩn đoán bằng hình ảnh và xét nghiệm dẫn tới hệ quả theo kiểu “đa thư loạn mục” làm mất tác dụng, làm cho bệnh nhân tốn kém và mệt mỏi về việc phải làm quá nhiều xét nghiệm, chiếu, chụp...
Trong cuộc sống cũng vậy, “hữu dư” (quá mức cần thiết) chưa hẳn đã tốt. Một người ăn quá nhiều, quá no sẽ cảm thấy khó chịu hơn là đói một chút (bất cập). Trong tự nhiên cũng vậy, nước là cần thiết, nhưng nếu nước quá nhiều sẽ gây lụt lội, úng ngập và hệ quả của việc dư thừa nước chắc ai cũng biết. Ngay cả hoạt động kinh tế cũng vậy, khi mà kinh tế khủng hoảng thừa thì sẽ gây ra rối loạn kinh tế không thể lường trước được.
Mọi cái nếu ở mức vừa đủ là tốt nhất. Trong việc sử dụng các xét nghiệm, hình ảnh... để chẩn đoán bệnh cũng vậy, chỉ nên dùng ở mức độ cần và đủ. Không nên dùng tràn lan quá mức cần thiết (hữu dư) chẳng những không mang lại lợi ích gì, đôi khi còn phản tác dụng và có hại cho người bệnh.
Nói hơi ngoa một chút: Một người mắc bệnh về tim mạch mà lại chỉ định làm thêm nội soi dạ dày, trực tràng thì chẳng có ý nghĩa gì cho việc chẩn đoán tim mạch cả.
Một điều cũng cần nói thêm là sau khi có kết quả xét nghiệm và hình ảnh, thầy thuốc nên giải thích cho người bệnh biết về kết quả đó, điều đó có lợi cho cả thầy thuốc và bệnh nhân vì ai cũng hiểu rằng việc chữa bệnh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh.
Một người bệnh không hiểu gì về tình trạng bệnh tật của mình thì làm sao có thể phối hợp với thầy thuốc?



0 comments:

Post a Comment