Ai nên ăn chay?
Một nghiên cứu của Mỹ cho biết, người ăn chay có tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường thấp hơn người ăn mặn khoảng 25%. Bởi vậy, ăn chay còn được xem là một liệu pháp điều trị căn bệnh này.
Cũng theo kết quả một nghiên cứu của Mỹ được đăng trên tạp chí American Journal of Medicine, một chế độ ăn chay ít chất béo có thể giúp giảm cân nhanh hơn so với một chế độ ăn không cholesterol theo tiêu chuẩn
.
Các nghiên cứu về dinh dưỡng cho rằng, một thực đơn chay giàu dinh dưỡng bao gồm: trái cây, rau, đậu các loại sẽ giúp giảm béo, giảm nguy cơ bệnh tim, phòng chống bệnh đái tháo đường và phần nào giảm nguy cơ ung thư. Chất xơ, các chất chống oxy hóa và một số chất có trong thực phẩm chay có khả năng ngừa ung thư cao. Ngoài ra, chế độ ăn chay chứa nhiều kali, phức hợp carbohydrates, chất béo không no, chất xơ, canxi, magnesium, vitamine C và vitamine A giúp hạ huyết áp và giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch. Người ăn chay thải canxi, oxalat, axít uric ra nước tiểu nhiều hơn người không ăn chay, do đó ít bị sỏi thận hơn.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ dinh dưỡng, thiếu niên đang trong độ tuổi tăng trưởng, phụ nữ có thai và cho con bú thì không nên ăn chay, vì sẽ không cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Còn những người thừa cân, béo phì hoặc có nguy cơ bị thừa cân, béo phì; người bị bệnh tim mạch (tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ máu); người bị loãng xương hoặc có nguy cơ bị loãng xương (nhất là phụ nữ tuổi từ 40 trở lên); người bị suy thận, sỏi thận và người già từ 60 tuổi trở lên (đối với nam), 45 tuổi trở lên (đối với nữ) thì nên ăn chay. Cần lưu ý, những đối tượng này, khi ăn chay phải bổ sung một số thực phẩm từ động vật như thịt bò, hải sản để cung cấp canxi.
Ăn thế nào cho đúng?
Hiện nay, thực phẩm chay đóng gói sẵn đa dạng chủng loại, hấp dẫn. Không chỉ có các sản phẩm thông dụng, như: đậu hủ non, tàu hủ ky, đậu tương, chao mà còn có các loại lẩu chay, sườn non, đùi gà, chả lụa, chà bông, patê, cá kho chay có màu sắc, mùi vị tương tự thực phẩm thường... Tuy nhiên, theo BS CK1 Lê Thị Kim Quí – GĐ Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, thực phẩm chay chế biến sẵn, đóng hộp hoặc bằng phương pháp hóa học để có mùi vị thơm ngon, hợp khẩu vị chỉ là thực phẩm chay chứ không phải là thức ăn dinh dưỡng. Chưa kể, có nhiều sản phẩm được sản xuất thủ công từ các cơ sở chế biến nhỏ, nhà sản xuất vì lợi nhuận đã sử dụng nhiều loại phụ gia thay thế, rẻ tiền, không an toàn, đặc biệt là chất bảo quản.
Bên cạnh đó, thực phẩm chay chế biến sẵn khó đảm bảo đầy đủ thành phần dinh dưỡng, đặc biệt là các vi khoáng chất, vitamine... Vì vậy, để bổ sung cân đối các thành phần dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe, người ăn chay nên kết hợp sử dụng các loại thực phẩm thiên nhiên còn tươi như nhóm rau củ quả và trái cây sẽ cung cấp rất nhiều dưỡng chất cần thiết như: vitamine A, vitamine C, chất xơ và nhiều loại chất bổ dưỡng khác. Nhóm ngũ cốc (gạo, đậu...) không nên chà xát quá trắng, để giữ được các chất bổ dưỡng. Ngũ cốc chứa nhiều chất xơ giúp điều hòa tiêu hóa, tránh táo bón và phòng ngừa được ung thư ruột già, bao tử; nhóm đậu cung cấp chất đạm, chất béo...
BS Trần Văn Ký – Phụ trách an toàn vệ sinh thực phẩm phía Nam (Hội Khoa học kỹ thuật thực phẩm Việt Nam), khuyến cáo: thực phẩm chay công nghiệp được sản xuất hàng loạt, để lâu và làm theo thị hiếu về màu sắc, khẩu vị, độ dai giòn, nhà sản xuất đều phải dùng phụ gia hay hóa chất để hỗ trợ. Các chất này gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Vì thế, người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm chay của những thương hiệu uy tín, có đầy đủ thông tin về sản phẩm.
Nguyễn Cẩm
0 comments:
Post a Comment