Thoát nghèo kiểu “đẻ non”
Người dân quê bỗ bã gọi những hộ thoát nghèo gượng ép, thoát nghèo mà vẫn hoàn nghèo là “đẻ non”. Vì đẻ non nên èo uột, nhiều câu chuyện bi hài xảy ra.
Bắt phải... không nghèo
Nhà anh Nguyễn Văn Đoàn ở khu 6 (Tạ Xá, Cẩm Khê, Phú Thọ) năm ngoái cũng thuộc diện hộ thoát nghèo dạng “đẻ non”. Khi tôi đến, trong căn nhà vách nứa, mái cọ, anh Đoàn đang ôm bụng, nhăn nhó bởi mắc chứng sỏi thận kinh niên: “Em từ mấy tháng nay, tự dưng mấy hòn sỏi thận phát triển to lên, chèn ép gây đau đớn lắm nhưng đành nằm nhà bởi không có tiền chạy chữa. Năm ngoái, nhà có 3 khẩu trong đó hai lao động nên còn tạm đủ ăn, nay vợ chồng ly dị, vợ nó bỏ con dại 5 tuổi cho em nuôi, em lại đau yếu luôn luôn nên nhà có cái xe máy Tàu, cái ti vi nát cũng đem đi bán để lấy tiền ăn, tiền thuốc”.
Ông trưởng khu 6 ngán ngẩm than, nếu anh Đoàn không thuộc diện bị gạt ra khỏi danh sách hộ nghèo thì với thẻ bảo hiểm y tế được cấp, bệnh tình của anh đã được chạy chữa, không đến nỗi nằm bệt đau đớn ở nhà. Hay gia cảnh ông Nguyễn Văn Khanh - 55 tuổi cũng bị liệt vào hộ khá một cách phi lý. Ông có 9 người con, năm ngoái làm được cái nhà xây be bé, vay đã ngót 40 triệu cho con gái ra ở riêng.
Nghiệt ngã thay chính ngôi nhà xây này trở thành một tiêu chí quan trọng để xét thoát nghèo và ông bị gạt ra khỏi danh sách sau đó. Khi tôi đến, cả đại gia đình của ông Khanh vẫn ở trong căn nhà lá lụp sụp tựa vào cái bếp lá cũng rệu rã không kém. Từ già trẻ, lớn bé trừ phụ nữ ra đều đánh trần trùng trục vì nóng quá mà không dám bật quạt. Những thân thể gầy rúm ró, những chiếc xương ống, xương sườn đan ngang dọc khắp người, lộ rõ vẻ đói kém.
Mấy sào ruộng trơ sỏi đá không đủ nuôi cả chục miệng ăn nên bà vợ ngót sáu mươi tuổi của ông cách đây mươi ngày đã quyết định đi giúp việc trên thành phố để làm kinh tế. Được mấy ngày bà đã nhắn tin, đánh tiếng rằng sắp về vì yếu, leo cầu thang nhà gác chóng mặt, không chịu được. Ông Khanh còn 3 đứa con nhỏ đang tuổi đi học nhưng xem ra việc học của chúng cũng không lấy gì làm đảm bảo bởi ra khỏi hộ nghèo đồng nghĩa với việc các cháu không được ưu đãi gì nữa, phải tiền nong sòng phẳng. Nhìn gia cảnh ông Khanh, nhìn vào căn nhà vách nứa cứ thông thống, ông trưởng khu cám cảnh: “Thôi, năm nay có lẽ lại cho bác vào danh sách hộ nghèo vậy”. Chuyện thật cứ như đùa!
Ông Phùng Quang Lâm,Trưởng khu 6, bảo năm 2008 khu được phân giảm đi 5 hộ nên họp dân xét cho đủ 91 hộ (trước có 96 hộ nghèo): “Những hộ nghèo nhiều năm cũng phải cho họ ra khỏi danh sách để người khác vào. Xét thoát nghèo có mấy tiêu chí, thứ nhất là thu nhập, thứ nhì là tài sản, nhất là nhà ở… Đầu tiên khi nghe tin về chủ trương xóa nhà tạm, dân chúng tôi hăng hái đăng ký lắm, tới 30 nhà nhưng giờ nhiều hộ lại xin rút khỏi danh sách bởi không có tiền.
Tôi sợ rằng sau cuộc xóa nhà tạm, nhiều hộ lâm vào vòng nợ nần, sẽ càng nghèo nữa bởi nếu đăng ký xóa nhà tạm họ sẽ phải vay mượn, thậm chí là rất nặng lãi nhưng khi có nhà xây đa số họ sẽ thuộc diện xét thoát nghèo. Nghịch lý là ở chỗ đó. Mỗi dịp xét thoát nghèo, chúng tôi cũng nhức đầu vì chuyện này. Có hộ đốp thẳng rằng: Chúng tôi có nhà xây nhưng vẫn nghèo, chẳng lẽ phải trình giấy vay nợ ra mới chứng minh nổi là mình nghèo à?
Không dám vay tiền xóa nhà tạm
Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Tạ Xá, dường như cũng thấm thía lắm nỗi khổ của người dân đầu làng, cuối xóm. Ông bảo: Giai đoạn trước, hộ nghèo không được ưu tiên rõ nét lắm nên bình xét hộ nghèo cũng không sát lắm, kiểu như năm nay em nghèo sang năm lại đến lượt bác nghèo. Giai đoạn hiện nay, hộ nghèo đã được ưu tiên nhiều thứ như con cái đi học, bảo hiểm, trợ cấp… rõ nét hơn hẳn, chuyện bình xét cũng khó khăn hơn. Với tỷ lệ định hướng giảm nghèo ấn định từ huyện, buộc chúng tôi cũng phải ấn định, trên cơ sở huyện giao bổ ra chia cho các thôn về họ tự bình với nhau để bảo bảo tỷ lệ phần trăm. Chính vì tỷ lệ ấn định này gây khó, chúng tôi phải chia thôn nào thuận lợi tỷ lệ vượt nghèo phải cao hơn thôn kém hơn.
"Chỉ tiêu trên giao, không có gì căn cứ khác ngoài việc xã lại ấn định thôi cứ nhìn mặt áng áng khu này 5%, khu kia 6% chẳng hạn, bù đi kéo lại để vẫn đảm bảo tỷ lệ phần trăm"- Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Tạ Xá
Sự thoát nghèo này xem ra rất mong manh vì những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp nhưng việc mà một hộ đã thoát nghèo trở lại danh sách là khó vì đã có bình xét khá giả khi trước rồi, nợ nần ai nhìn thấy nên rất là thiệt thòi.
Ở xã tôi, nhà nước cho vay tiền xóa nhà tạm, nhiều hộ không lấy bởi không có nguồn thu nhập để trả nợ số tiền phải bù thêm vào. Chỉ có một số đối tượng nhà dột nát quá, đã có sự chuẩn bị chút ít tiền nong rồi, thấy đoàn đến thì hăng hái lắm, tiễn chân ra đến tận cổng còn những người nghèo thực sự, nói đến chuyện xóa nhà tạm họ hãi lắm, lắc đầu nguây nguẩy: Các bác đừng làm khổ em thêm nữa, bởi số tiền được vay, không đủ xây nổi cái móng.
Khi xóa nhà tạm, phải làm theo mẫu của trên, nhưng nhiều khi cũng là một sự đánh đố. Thứ nhất là có ít mẫu quá (bốn mẫu), lại hẹp quá 24m2, mỗi hộ trung bình 4-5 đứa con, có hộ trên chục con, không thể nhồi nhét được. Vấn đề thứ hai theo ông Thành phải làm mềm hóa các tiêu chuẩn xóa nhà tạm đi: Cứ gì phải thay nhà tạm bằng nhà xây? Nhà khung gỗ, trát tốp xi, lợp bờ lô cũng được mấy chục năm. Không thể chỗ nào cũng xây nhà được, cũng chở vật liệu đến được trong khi đó vườn nhà người ta có gỗ, cất một nhà gỗ lại đơn giản, ở trong nhà gỗ mát mẻ, giá làm rẻ cũng tốt chứ?.
“Tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 là 24,2%, năm 2007 là 28,4%; năm 2006 là 33,02%, 2005 là 37,7%, mức giảm “trong mơ” đối với huyện thuần nông như Cẩm Khê. Nhưng biết nói sao đây khi tỉnh giao định hướng chỉ tiêu phần trăm giảm nghèo xuống huyện, huyện giao xuống xã, xã lại bổ xuống thôn. Cái vòng luẩn quẩn ấy bao giờ mới tháo nổi?”, lời tâm sự của một cán bộ địa phương.
Nói chuyện thoát nghèo bền vững, ông Chủ tịch Thành bảo gì gì cũng phải làm giao thông, hạ tầng, điện lưới thật tốt. Đường xá quá xấu, trời nắng bụi mù, trời mưa ngã oành oạch đến nỗi giáo viên nơi khác được phân đến Tạ Xá dạy học sợ đến nỗi chẳng khác gì đi đày. Vì thế, trường nhiều, chất lượng giáo viên cũng không tốt lên là mấy, hàng vài chục em đi thi mà ước mơ đại học, cao đẳng cứ xa vời tăm tít. Đường xá xấu nên dân Tạ Xá bán cái gì cũng rẻ.
Ở xã Chí Tiên (huyện Thanh Ba) gần đó, nông dân bán 1kg đu đủ được 2.5-3.000đ, ở đây trồng chẳng ai mua. Lợn, gà, thóc, gạo bán bao giờ cũng rẻ hơn nơi khác vài giá trong khi cám bã chăn nuôi lại phải mua đắt hơn. Vừa rồi có nông dân trong xã làm mô hình dưa chuột Nhật phải đem đi 70km mới bán được. Dù năng suất có tốt mấy, hết mô hình hỗ trợ là dân cạch đến già. Điện đóm xã cũng có một trạm nhưng luôn bị quá tải 250%, điện thế mạng lưới thường chỉ được dưới 90 vôn, quạt không thể quay, bóng đèn tuýp không sáng nổi nên dân muốn làm hàn xì, xay xát, bơm tưới đành chịu chết. Thủy lợi chỉ có 30% là nước chủ động còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào ông giời. Năm nay hạn hán, mất mùa lớn, dân cũng chẳng biết kêu ai cho thấu. (Còn nữa)
0 comments:
Post a Comment